Kỷ luật chưa nghiêm
Sáng 15/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách Nhà nước 2013 là 224.000 tỷ đồng, so với GDP dự toán 4.228.900 triệu đồng, bằng 5,3% GDP. Còn so với GDP thực hiện 3.937.856 triệu đồng, bằng 5,69%.
Chính phủ đề nghị quyết toán số bội chi là 260.145 tỷ đồng, vượt 36.145 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,61% GDP thực hiện, tăng so với dự toán 0,92% GDP.
Lý do vượt được Bộ trưởng Dũng giải thích là do tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên), chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nên theo quy định thì phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.
Nhờ tiết kiệm chi nguồn trong nước 807 tỷ đồng, nên bội chi chỉ tăng so với dự toán là 36.145 tỷ đồng, ông Dũng giải thích thêm.
Tuy nhiên, thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói rõ, việc giải ngân vốn ngoài nước tăng 36.952 tỷ đồng, trong đó có 10.782,7 tỷ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.
Đa số ý kiến Thường trực uỷ ban này cho rằng, theo quy định tại điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước thì trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội.
Khi thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014, triển khai dự toán năm 2015, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định này.
Nhưng đến nay, Chính phủ chưa báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán, thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Vì vậy, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy của Hiến pháp và quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, cơ quan thẩm tra đề nghị loại ra khỏi quyết toán chi ngân sách Nhà nước năm 2014 vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng.
Luật là luật
Trong phần thảo luận, hơn một lần Bộ trưởng Dũng giải trình lại vấn đề nói trên, và nhấn mạnh là hơn 36 ngàn tỷ đó đã được tính vào nợ công rồi.
Nhưng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, nếu làm trái Hiến pháp và trái luật thì không ai có quyền cho phép, kể cả Quốc hội. Hiến pháp đã quy định các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do luật định.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, dự toán chi là giới hạn và không mở được như toán thu. Ví dụ đã cho bội chi là 224 ngàn tỷ thì cao hơn là không được, đó là nguyên tắc khác hẳn giữa dự toán thu và chi, ông Hiển phân tích.
Theo Phó chủ tịch, phần tăng bội chi là chưa có dự toán, mà đã dự toán là do Quốc hội quyết định nên chưa chấp nhận được số tăng đó.
Chính phủ báo cáo Quốc hội nếu Quốc hội đồng ý bổ sung bằng một nghị quyết thì số tăng bội chi đó mới được chấp nhận, còn nếu không được chấp nhận thì phải xử lý, ông Hiển nói.
Nhắc lại một số lần quyết toán khác, có thể một số khoản chi không đúng dự toán nhưng Quốc hội vẫn “thương” mà cho qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, lần này không thể cho qua được nữa.
Tất nhiên, có tiếp tục “thương” nữa hay không, thì còn phải chờ vào quyết định của Quốc hội. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tỏ thái độ kiên quyết với một “việc đã rồi” như cách nói quen thuộc khi quyết toán ngân sách.
Còn nhớ một năm trước, khi xem xét quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013, Chính phủ đề nghị con số lên tới 6,6% GDP thực tế chứ không phải 5,3% như Quốc hội đã quyết định.
Và khi đó, cả cơ quan thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều gật đầu.
Theo VnEconomy