Quyết định cho trẻ đến trường mùa dịch COVID-19: Cần khoa học và có chiến lược

VietTimes – Với những diễn biến nóng của dịch bệnh COVID-19 tại Hàn Quốc, Ý, Iran… như hiện tại, việc quyết định có nên cho trẻ đến trường vào ngày 2/3 vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. “Cần khoa học và có chiến lược” là khẳng định của bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM).
Học sinh trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3, TP.HCM) thời điểm cuối năm 2019 trước khi bùng phát dịch COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)
Học sinh trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3, TP.HCM) thời điểm cuối năm 2019 trước khi bùng phát dịch COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)

* Thưa bác sĩ, có tới 200.000 công dân Việt đang sống và học tập tại Hàn Quốc. Dịch bệnh COVID-19 đang nóng như hiện tại, rất nhiều người Việt từ vùng dịch quay trở về quê hương. Liệu có cần đề phòng hướng lây nhiễm từ người thân, người nhà sang trẻ, rồi trẻ sẽ mang virus Corona đến trường trong thời gian dự kiến là ngày 2/3 tới?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh:  Tất cả những người về từ vùng dịch đều phải được xếp vào đối tượng có yếu tố nguy cơ. Tùy vào mức độ nguy cơ và khả năng cách ly để quyết định biện pháp cách ly tại nhà hay cách ly tập trung. Tùy theo từng địa phương có bao nhiêu người trở về để khoanh vùng đối tượng.

Rất nên lưu ý cơ quan y tế ở các địa phương có nhiều người trở về từ vùng dịch phải nâng cao cảnh giác. Nhất thiết phải cách ly và giám sát thật chặt chẽ.

Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh có danh sách đối tượng và đã chuyển cho cơ quan y tế địa phương theo dõi, giám sát các đối tượng cách ly tại nhà, phản ứng nhanh, nhập viện cách ly ngay những trường hợp cần thiết.

Ở đây, phải nhắc ngay rằng, đối tượng cần cách ly chặt chẽ chính là người lớn chứ không phải chỉ chú ý vào trẻ em. Chính các đối tượng trở về cần tự cách ly mình. Người thân, họ hàng của những người trở về từ vùng dịch hãy nâng cao cảnh giác để đảm bảo cách ly để an toàn cho chính mình và con em trước. Nên nhớ, người lớn là đối tượng dễ lây nhiễm còn hơn cả trẻ em.

Học sinh trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3, TP.HCM) trong Lễ sơ kết Học kỳ 1, trước khi nghỉ Tết nguyên đán (Ảnh: Hòa Bình)
Học sinh trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3, TP.HCM) trong Lễ sơ kết Học kỳ 1, trước khi nghỉ Tết nguyên đán (Ảnh: Hòa Bình)
Thầy cô và học trò trường Lương Định Của kết thúc HK 1 trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)
Thầy cô và học trò trường Lương Định Của kết thúc HK 1 trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình) 

* Thưa bác sĩ, nhưng với những đặc thù của hoạt động giáo dục là tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài, liệu có cơ sở để đảm bảo phòng chống lây nhiễm virus nguy hiểm như Corona?

- Trong thời kỳ các dịch bệnh tay chân miệng phát mạnh, chúng tôi huấn luyện trẻ em, các em vẫn làm được. Chính người lớn mới là đối tượng thường không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh sát khuẩn.

Muốn làm triệt để thì cần xác định rõ và khoanh vùng, chăm lo cho các nhóm tuổi quan trọng nhất chắc chắn cần phải đi học sớm hơn, đó là các lớp chuyển cấp, bao gồm: Lớp 5, Lớp 9 và Lớp 12.

Còn các nhóm khác thì nếu quỹ thời gian vẫn còn thì có thể cho nghỉ tiếp một thời gian nữa, đợi tình hình dịch bệnh lui bớt. Đây cũng là cách tách nhóm để tập trung chăm sóc cho một số lượng học sinh trọng điểm, nhà trường và ngành giáo dục không phải mang một nỗi lo quá lớn với tổng số hai mươi mấy triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.

* Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước khác ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Iran, Ý… theo bác sĩ, việc đưa trẻ đến trường vào ngày 2/3 tới có quá mạo hiểm?

Tiến hành vệ sinh sát khuẩn trong Trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3, TP.HCM)
Tiến hành vệ sinh sát khuẩn trong Trường Tiểu học Lương Định Của (Quận 3, TP.HCM)
 
 
 
 
Công tác vệ sinh sát khuẩn mọi khu vực trong và ngoài phòng học được làm rất kỹ để chuẩn bị đón học sinh
Công tác vệ sinh sát khuẩn mọi khu vực trong và ngoài phòng học được làm rất kỹ để chuẩn bị đón học sinh

- Điều này phụ thuộc vào ba yếu tố: Một là quỹ thời gian cho trẻ nghỉ có còn hay không? Hai là tính khoa học của việc nghỉ học phải được tính toán thật kỹ. Ba là tâm lý của phụ huynh và học sinh, hay nói khác đi là sự hỗn loạn của các chiều dư luận.

Ngay bây giờ, không ai có thể phán quyết được hết tháng 3 hay tháng 4 thì tình hình dịch bệnh trên thế giới sẽ lui. Giả sử dịch bệnh kéo dài thêm vài tháng nữa thì ngành Giáo dục sẽ làm thế nào? Quyết định điều chỉnh năm học tới đây sẽ như thế nào?

Nhìn ra các nước xung quanh chúng ta, Singapore và Thái Lan vẫn cho trẻ đến trường mặc dù họ có số ca nhiễm nhiều hơn Việt Nam, vậy chẳng lẽ họ không yêu con bằng người Việt? Hay là họ coi thường tính mạng của con cái hơn người Việt.

Nếu yêu con, hãy huấn luyện cho con mọi kỹ năng phòng chống dịch bệnh. Tháng 3 đi học cũng phải huấn luyện, tháng 4 hay kể cả các tháng sau đó, vẫn nên huấn luyện kỹ cho con. Và chính người lớn cũng phải làm gương, không thể nói suông mà không hành động gì. Người lớn làm gương tuân thủ nguyên tắc vệ sinh sát khuẩn thì trẻ con sẽ làm theo. Vệ sinh sát khuẩn chặt chẽ sẽ rất có lợi cho xã hội vì điều này giúp giảm bớt mọi dịch bệnh chứ không chỉ COVID-19.

* Cám ơn bác sĩ!

Ảnh vệ sinh sát khuẩn: Trường Tiểu học Lương Định Của