Quỹ Toàn cầu giảm tài trợ: Công tác phòng, chống HIV, lao và sốt rét sẽ nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những năm qua, công tác phòng, chống HIV, lao và sốt rét của Việt Nam được Quỹ Toàn cầu hỗ trợ nên đã kiểm soát tốt. Tới đây, nguồn tài trợ từ Quỹ này sẽ giảm, đòi hỏi Việt Nam phải có kế sách phù hợp mới duy trì được thành quả.

Ngân sách tài trợ cho HIV, lao và sốt rét ở Việt Nam sẽ giảm

Trong phiên họp toàn thể đầu tiên nhiệm kỳ 2024-2026 của Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV, lao và sốt rét (CCM) Việt Nam diễn ra tại trụ sở Cơ quan Liên Hợp Quốc (Hà Nội) chiều 6/8, ông Olivier Cavey - Quản lý cấp cao phụ trách quốc gia Quỹ Toàn cầu - cho hay, sau năm 2025, phần ngân sách của Quỹ Toàn cầu dành cho Việt Nam trong phòng, chống HIV, lao và sốt rét sẽ giảm, có thể cho bệnh lao thấp hơn 10-20%, nên cần phải phối hợp cùng nhau để thiết kế lộ trình bảo đảm bền vững cho những nỗ lực phòng, chống các bệnh này.

Ông Olivier Cavey đánh giá cao việc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là việc Chính phủ đã cho chi trả 80% cho thuốc ARV từ bảo hiểm y tế (BHYT); Chương trình chống lao Quốc gia cũng nhanh chóng bắt kịp tiến độ, song ông cũng khuyến cáo Việt Nam cần tìm cách đảm bảo mua được máy móc, vật tư xét nghiệm từ sự tài trợ của Chính phủ, khi ngân sách của Quỹ Toàn cầu giảm.

VT_ chủ trì.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương - Chủ tịch CCM - và bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Việt Nam

Ông Olivier Cavey nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, nên cần chú trọng đảm bảo nguồn cung ổn định thuốc dự phòng và điều trị trong 2 năm tới.

Việt Nam được nhận được tài trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét từ năm 2003 đến nay với gần 700 triệu USD. Nhờ đó, Việt Nam đã giảm được số người mắc và tử vong do 3 căn bệnh trên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương - Chủ tịch CCM nhiệm kỳ 2024-2026 - cho hay CCM Việt Nam chú trọng các hoạt động nhằm tiếp tục tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu 95-95-95 và Chiến lược Quốc gia, nhằm chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.

Chủ tịch CCM Việt Nam cam kết CCM sẽ triển khai các hoạt động giám sát và đảm bảo các đơn vị nhận tài trợ thực hiện các chương trình đúng theo kế hoạch và đạt được mục tiêu đề ra. CCM sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn viện trợ của Quỹ Toàn cầu, để các dự án đạt được kết quả mong đợi, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.

VT_ CCM.jpg
Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV, lao và sốt rét Việt Nam

Kiểm soát được dịch bệnh nhờ nguồn Quỹ Toàn cầu

Tại cuộc họp, bà Phan Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - chia sẻ: Những năm qua, Quỹ Toàn cầu hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS, COVID-19 và viêm gan C của Việt Nam 343 triệu USD, nhờ đó, đã có những thành tựu nổi bật: Giai đoạn 2021-2023 đã dự phòng cho khoảng 100.000 người nghiện chích ma tuý, quan hệ đồng giới, chuyển giới, phụ nữ bán dâm và xét nghiệm HIV cho 50 nghìn can, phạm nhân; cung cấp trang thiết bị thiết yếu cho 254 cơ sở điều trị và 197 cơ sở cấp phát thuốc….

Bên cạnh đó, nhờ nguồn Quỹ Toàn cầu, Việt Nam đã xét nghiệm cho hơn 200 nghìn người nghiện chích ma tuý, quan hệ đồng giới, chuyển giới, phụ nữ bán dâm. Mô hình xét nghiệm mở rộng ra cả ở cộng đồng, nhờ đó, đã phát hiện kịp thời những người nhiễm HIV để điều trị.

VT_ Thu Hương.jpg
Bà Phan Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)

Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ 13,2 triệu USD cho thuốc ARV và là nguồn tài trợ ARV duy nhất cho 4.500 bệnh nhi. Bà Hương cho biết Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ mua thuốc ARV, đặc biệt là những loại rất khó tiếp cận, giúp người bệnh có phác đồ điều trị an toàn hiệu quả.

Ngoài ra, hơn 110 cơ sở điều trị dự phòng PrEp đảm bảo an toàn cho 97-98% những người quan hệ tình dục với người nhiễm HIV. Việt Nam được đánh giá là nước đứng đầu châu Á -Thái Bình Dương về nhanh chóng mở rộng PrEp.

Theo bà Hương, kết quả thực hiện chương trình của Việt Nam được Quỹ Toàn cầu xếp hạng A2 (kết quả tốt) về chương trình và tài chính - điều rất ít nước đạt được.

Bà Hương cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS: Thủ tục phê duyệt nhiều thời gian; thay đổi về tổ chức triển khai dự án, nhiều hướng dẫn mới; thu thập, rà soát, kiểm soát chi mất nhiều thời gian, để mong thời gian tới các vấn đề trên sẽ được xem xét.

MSM.jpg
Điều trị PrEp giúp tỉ lệ nhiễm HIV mới

Đại diện Chương trình chống lao Quốc gia cũng khẳng định chính sự hỗ trợ 243 triệu USD của Quỹ Toàn cầu cho công tác phòng, chống lao đã giúp Việt Nam phát hiện và điều trị hơn 1,3 triệu bệnh nhân lao, không còn nằm trong 13 nước có gánh nặng về lao - HIV.

Tới đây, công tác phòng, chống lao không còn dựa hoàn toàn vào Quỹ Toàn cầu mà sẽ chuyển sang thanh toán BHYT, trong khi số lao không có triệu chứng vẫn là nguồn lây chiếm 50% và tỉ lệ tử vong do lao chiếm 3%.

VT_ Cảnh.jpg
Ông Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương

Thông tin về kết quả của công tác phòng, chống sốt rét thời gian qua, ông Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương - cho biết nhờ Quỹ Toàn cầu, Việt Nam đã cơ bản khống chế được sốt rét, với mục tiêu “không tử vong do sốt rét” và tự tin loại trừ bệnh này vào 2030: Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế; bao phủ các biện pháp phòng chống sốt rét thích hợp và hiệu quả cho dân có nguy cơ mắc sốt rét; tăng cường hệ thống giám sát dịch tễ và đảm bảo đủ khả năng phòng chống dịch sốt rét; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi phòng, chống sốt rét của cộng đồng.

Các ổ dịch ở điểm nóng Khánh Hoà, Lai Châu đã khống chế được, nhờ vào gói toàn bộ gồm thuốc, dự phòng và điều trị, được WHO đánh giá là mô hình có thể nhân rộng.
"Tuy nhiên, mức tài trợ của Quỹ Toàn cầu đã giảm do bệnh sốt rét ở Việt Nam giảm" - ông Cảnh thông tin.

Với những kết quả trong phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét đã đạt được trong nhiều năm qua, tới đây, khi Quỹ Toàn cầu giảm ngân sách tài trợ, thì việc duy trì bền vững thành quả đã có sẽ là những thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam, đòi hỏi phải sớm có kế hoạch thích ứng kịp thời như ông Olivier Cavey khuyến cáo.