Ở những bài trước, tôi đã phản ánh thực trạng MSM ở Kiên Giang và Bình Dương và báo động về nguy cơ lây truyền HIV của nhóm này hiện nay, khi dịch HIV đang tăng trở lại. Con số 15 nghìn người MSM ở Bình Dương đã khiến nhiều người giật mình, trong khi đó, từ 2017, Hà Nội đã có khoảng 33 nghìn người MSM, nhưng rất ít người biết.
Sau 6 năm, con số ấy ở Hà Nội đã nhiều lên bao nhiêu không ai biết, nhưng thực sự đáng lo ngại, khi giờ đây, Bộ Y tế đang cảnh báo sự gia tăng trở lại của dịch HIV, mà nguy cơ từ nhóm MSM ở mức báo động, khi chiếm “thế thượng phong” trong số mới phát hiện, khác với trước đây, nhóm mại dâm, tiêm chích ma tuý là nguy cơ chính.
HIV trong nhóm MSM đang trẻ hoá
Tháng 8, nắng gay gắt, nhưng Phòng khám Sống hạnh phúc của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vẫn rất đông người - đều là thanh niên - đến làm các dịch vụ - hầu hết là miễn phí. Đây là địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ dự phòng HIV cho nhóm MSM, những người có nguy cơ nhiễm HIV, cũng là nơi đầu tiên của cả nước điều trị PrEp (dự phòng HIV trước phơi nhiễm).
Phòng khám nằm ngay mặt đường Tôn Thất Tùng, tuy nhỏ nhưng bài trí thân thiện, sinh động, không tạo khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Có lẽ vì thế mà các thanh niên đến đây đều rất thoải mái, không có cảm giác bị soi mói, tò mò.
Phòng khám hiện đã có hơn 4.500 người đến nhận thuốc điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm, chủ yếu ở Hà Nội và một số ở khu công nghiệp Bắc Ninh. Dĩ nhiên, đây chỉ là con số “bề nổi của tảng băng chìm”.
Theo TS. Bùi Thị Minh Hảo - Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu về lạm dụng chất - HIV của Trường Đại học Y Hà Nội - trong số những người MSM điều trị tại đây, chiếm 60% là ở độ tuổi 16 - 24 và đang đi học. Nhiều bạn đang là học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, trong đó, có cả sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.
Giải thích điều này, TS. Bùi Thị Minh Hảo cho hay, đây là lứa tuổi muốn khám phá bản thân nên có những người đã “thử” MSM, dù họ hoàn toàn là người dị giới. Có người lấy vợ nhưng không có cảm giác rung động khi gần vợ, thậm chí, có người đã có con, vẫn gia nhập nhóm MSM để tìm hiểu xem mình có phải là người đồng giới hay không. Cũng có một số MSM vì nhu cầu tiền bạc.
Đó là lý do giải thích vì sao, từ 2017, Hà Nội đã có tới hơn 33.000 nhiều người MSM - theo kết quả một nghiên cứu của Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu về lạm dụng chất - HIV Trường Đại học Y Hà Nội. Khi đó, MSM chưa nhiều như bây giờ và mối nguy cơ gia tăng HIV khi đó chủ yếu là từ nhóm tiêm chích ma tuý và mại dâm.
Theo PGS.TS. Lê Minh Giang - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu về lạm dụng chất - HIV của Trường Đại học Y Hà Nội - mặc dù con số đó là khá cao, song, vẫn chưa phản ánh đầy đủ thực tế về nhóm MSM, mà chỉ là một “lát cắt” trong nghiên cứu.
Vì thế, khi tôi hỏi con số MSM “áng chừng” của Hà Nội năm 2023 là bao nhiêu, thì PGS.TS. Lê Minh Giang cười và lắc đầu. TS. Giang cho rằng, có thể con số ấy đã nhiều lên, nhưng là bao nhiêu thì từ hồi đó, Trường Đại học Y Hà Nội không có nghiên cứu nào nữa.
Nhưng kết quả nghiên cứu khi đó cho thấy tỉ lệ nhiễm mới HIV ở nhóm MSM tới hơn 7%, cao hơn tỷ lệ này ở nhóm MSM thời điểm đỉnh dịch của Thái Lan, khoảng 4 - 5%
Ths.BS. Nguyễn Đức Khánh - người gắn bó với Phòng khám Sống Hạnh phúc từ những ngày đầu - cho biết thêm: Gần đây, Phòng khám đã tiếp nhận những ca MSM chưa đầy 14 tuổi đến xét nghiệm HIV, nhưng do chưa đủ tuổi tự xét nghiệm và các cháu không dám mời người giám hộ đi cùng theo hướng dẫn, nên bác sĩ đành tư vấn và hẹn cháu 15 tuổi thì quay lại làm xét nghiệm. Điều này cho thấy, MSM đã trẻ hoá rất nhiều.
Không được điều trị kịp thời, thì khả năng lây truyền từ những em nhỏ này cho nhiều người là rất lớn, vì các bé trai luôn là “đích ngắm” của nhiều MSM lớn tuổi.
Địa chỉ tin cậy cho MSM
Chính thực tế trên đã khiến các chuyên gia HIV ở Trường Đại học Y Hà Nội đặc biệt quan tâm, vì họ hiểu, nhóm MSM rất ngại bộc lộ do sợ bị kỳ thị, nên họ khó tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết. Hầu hết những người MSM đều hoang mang khi biết mình hoặc bạn tình nhiễm HIV, nhưng không dám tìm đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Đây chính là yếu tố khiến cho HIV càng lây truyền.
Trong khi đó, hiện không kiểm soát được nhóm MSM, vì họ không muốn “bước ra ánh sáng”, nhất là giờ đây có rất nhiều app hẹn hò cho MSM.
Vì thế, hỗ trợ nhóm MSM chính là biện pháp để giảm lây truyền HIV và Phòng khám Sống hạnh phúc đã cung cấp PrEP từ năm 2019 với mục đích tư vấn, điều trị cho các bạn MSM, để giảm nguy cơ lây truyền HIV.
Kịp thời nhận ra ý nghĩa quan trọng của Phòng khám đặc biệt này, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV Phan Thị Thu Hương đã trực tiếp tìm nguồn tài trợ, để Phòng khám là nơi đầu tiên của cả nước điều trị PrEp cho nhóm MSM. Các bạn MSM sẽ được khám, xét nghiệm và nhận thuốc miễn phí.
Suốt những năm qua, các bác sĩ và nhân viên y tế ở Phòng khám Sống hạnh phúc đã đồng hành với các bạn MSM trong việc tư vấn, xét nghiệm và điều trị các bệnh liên quan đến sức khỏe tình dục, nhất là HIV/AIDS. Rất nhiều người MSM ở đủ mọi ngành nghề, cán bộ, giáo viên, LLVT, sinh viên, công nhân vv…và đủ lứa tuổi, từ những cháu mới hơn 10 tuổi đến người đã ngoài 80, đã mạnh dạn đến đây để được tư vấn, khám bệnh và điều trị.
Có bạn MSM 16 tuổi, bị mẹ phát hiện đang dùng thuốc PrEp, đã đến tận Phòng khám Sống hạnh phúc để hỏi. Được bác sĩ tư vấn, người mẹ đã đồng hành với con, nhắc con uống thuốc đúng giờ.
Anh Trần Ngọc H. (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: Khi biết bạn tình nhiễm HIV, tôi cực kỳ lo sợ. Vào thời điểm ấy, các bác sĩ của Phòng khám Sống hạnh phúc thực sự là cứu cánh, giúp tôi ổn định tâm lý, đồng thời, tư vấn cho tôi điều trị phòng ngừa.
Đi đúng hướng, nên việc điều trị PrEp ở Phòng khám này đã giúp tỉ lệ nhiễm HIV mới trong số người nguy cơ đến đây khám và điều trị giảm mạnh, từ 7% còn khoảng 1% năm.
Ths.BS. Nguyễn Đức Khánh cho biết tỉ lệ 1% này là do người có nguy cơ không tuân thủ điều trị, do quên hay chủ quan, cũng có thể là số người bị bỏ lỡ trong giai đoạn cửa sổ.
Giảm kỳ thị sẽ giảm lây truyền HIV
Trao đổi với VietTimes, TS. Lê Minh Giang - một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại Mỹ về HIV - bày tỏ lo ngại rằng chính thái độ ứng xử không phù hợp với nhóm MSM, hay sự kỳ thị họ sẽ càng khiến HIV trong nhóm này gia tăng. Thực tế, nhiều gia đình, khi biết con có quan hệ đồng tính, đã đánh đập, chửi mắng, sỉ nhục, cấm cản, thậm chí bắt đưa đi chữa trị, vì cho rằng đó là bệnh. Ở trường học, các thầy cô cũng không chấp nhận quan hệ đồng giới.
Đặc biệt, chính các bác sĩ ở nhiều phòng khám chưa biết cách khai thác để phát hiện nguyên nhân mắc HIV, từ đó điều trị đúng hướng. Khi có bệnh nhân HIV tìm đến, nhiều bác sĩ lập tức quy chụp họ mắc bệnh là do “ăn chơi” với “gái”, khiến họ không dám chia sẻ nguyên nhân họ thuộc nhóm MSM, để giúp bác sĩ điều trị dự phòng đúng, góp phần giảm lây lan.
PGS. TS. Lê Minh Giang lưu ý: Thực tế, đã có nhiều người MSM trẻ đã tự tử vì không chịu nổi áp lực từ gia đình và xã hội. Do đó, chỉ khi nhóm MSM sẵn sàng bộc lộ, chia sẻ, mới giảm nguy cơ lây truyền HIV ở nhóm này, bằng việc bác sĩ nắm bắt được thực trạng, từ đó tư vấn, giúp họ sử dụng PrEp để điều trị dự phòng.
Điều này đòi hỏi hệ thống y tế không chỉ ứng phó, mà còn phải thay đổi cách tiếp cận. Chính vì thế, Trường Đại học Y Hà Nội không chỉ dạy sinh viên kỹ năng bảo vệ bản thân khi là MSM, mà còn có hướng dẫn cho các bác sĩ tương lai văn hoá ứng xử với bệnh nhân MSM, người bị HIV.
“MSM là một thực trạng xã hội, một vấn đề của thanh, thiếu niên trong xu thế toàn cầu hoá mà họ phải đương đầu. Vì thế, xã hội đừng quay lưng với họ, đó cũng là cách để giảm kỳ thị với những người MSM và là một biện pháp phòng, chống HIV hữu hiệu - PGS.TS. Lê Minh Giang nhấn mạnh.