Báo động bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo do thói quen ôm ấp thú cưng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỗi năm, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp nhận khoảng 15.000 bệnh nhân mắc ấu trùng giun đũa chó, mèo tới khám điều trị. Con số này tiếp tục gia tăng đáng ngại do thói quen nuôi chó, mèo không đảm bảo vệ sinh.

Đây là thông tin khá bất ngờ do TS. Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - chia sẻ với VietTimes.

Đã có những bệnh nhân bị hậu quả nặng nề do cả người mắc lẫn bác sĩ đều không nghĩ đến bệnh giun chó, mèo và hầu hết bệnh nhân đều bị chẩn đoán nhầm trước khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

Điều này rất đáng lo ngại, khi cả nước hiện có gần 5 triệu hộ nuôi chó, mèo với khoảng 7,6 triệu con, trong đó Hà Nội đứng đầu với trên 425.000 con. Tiếp đến là Nghệ An với trên 355.000 con và Thanh Hóa là hơn 322.000 con.

VT_ giun chó mèo.jpg
Ấu trùng giun đũa chó, mèo "đào hầm" dưới da người bệnh

Ôm ấp thú cưng và bệnh giun chó, mèo

Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về xét nghiệm và điều trị bệnh do ký sinh trùng - ông Dương Văn Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết ông đến khám vì bị nổi mẩn ngứa trên da, khắp tay, chân, bụng, ngực, khiến ông gãi đến chảy máu, dù ông là người sạch sẽ, tắm gội hàng ngày. Lạ là những vết thương do gãi rất lâu liền.

Cuộc sống của ông bị nhiều xáo trộn từ khi mắc bệnh ngứa vì công việc của ông thường phải tiếp xúc với nhiều người. Đi chữa trị nhiều nơi không khỏi, nên ông mới tìm đến đây.

Chị Nguyễn Ngọc Hương (Đống Đa, Hà Nội) cũng bị mề đay nổi ngứa kéo dài, đặc biệt, dưới da cánh tay chị còn có những vết hằn ngoằn ngoèo, như những đường hầm. Chị đi khám ở một số nơi, các bác sĩ đều kết luận chị bị bệnh ngoài da, nhưng bôi và uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi, nên có người mách, chị đã đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để xét nghiệm ký sinh trùng.

VT_.jpg
Ông Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương - chia sẻ với VietTimes về sự gia tăng báo động của bệnh giun chó, mèo

Ông Hoàng Đình Cảnh cho biết, cả 2 bệnh nhân trên đều được bác sĩ ở Bệnh viện Đặng Văn Ngữ xác định bị ấu trùng giun đũa chó, mèo do họ nuôi chó, mèo cảnh và thường xuyên ôm ấp, bế ẵm, thậm chí, cho ngủ cùng, nên đã ăn hoặc hít phải trứng giun chó, mèo.

Theo ông Cảnh, đây chỉ là 2 trong hàng chục nghìn bệnh nhân mắc ấu trùng giun đũa chó, mèo thời gian qua. Riêng năm 2023, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận 15.527 bệnh nhân nhiễm giun chó mèo và năm 2022 cũng hơn chục nghìn bệnh nhân. Chưa kể số lượng tương đương bệnh nhân vào các cơ sở y tế khác để khám.

“Số người nhiễm giun chó, mèo gia tăng là vấn đề nổi cộm hiện nay” - ông Cảnh lưu ý.

Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ giải thích: Chó, mèo khi đi vệ sinh dễ làm ấu trùng giun vương vãi, bám dính ở lông và người ôm chó, mèo vô tình nuốt phải trứng giun. Ở cơ thể người, trứng giun chó, mèo không phát triển thành giun mà ở dạng ấu trùng và đi khắp cơ thể, thường ở gan, não, mắt, thận, phổi…gây ra hiện tượng dị ứng như ngứa, nổi mề đay kéo dài, thậm chí, làm suy giảm chức năng gan, mắt, thận, phổi…

PGS.TS. Đỗ Trung Dũng - Trưởng Khoa ký sinh trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương - cho biết việc điều trị giun chó, mèo khá phức tạp, vì khi ấu trùng ở trong các bộ phận cơ thể, khả năng ngấm thuốc rất khó. Nhiều người điều trị 1-2 liệu trình có kết quả, nhưng có người điều trị 2-3 liệu trình, thay đổi nhiều loại thuốc, vẫn không khỏi.

VT_Dũng zun.jpg
PGS.TS. Đỗ Trung Dũng - Trưởng Khoa ký sinh trùng - xét nghiệm ký sinh trùng để phát hiện nguyên nhân bệnh

Trưởng Khoa ký sinh trùng cho biết thêm: Trứng giun chó, mèo vào người còn do ăn rau sống có trứng giun bám mà rửa không sạch, hay bàn tay có trứng giun đũa chó, mèo bám. Vì thế, người mắc giun chó, mèo có ở nhiều lứa tuổi, có đứa trẻ 2-3 tuổi, có người già 70-80 tuổi.

Phẫu thuật cấp cứu do giun chó, mèo

Trong khi số người mắc giun chó, mèo ngày càng tăng theo xu hướng nuôi chó, mèo cảnh, thì khi mắc bệnh, rất ít người nghĩ đến nguyên nhân do giun chó, mèo kể cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Chính vì thế, nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm với bệnh da liễu trước khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.

Có trường hợp, ấu trùng giun đũa chó, mèo chui vào bụng, tạo nên các ổ áp xe mãn tính trong gan, ruột và không ít trường hợp bác sĩ chẩn đoán là khối u nên đã phải mổ, mà nếu được phát hiện sớm nguyên nhân bệnh do giun sán thì điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn.

VT_ Bệnh nhân giun chó mèo.jpg
Kiểm tra tình hình của bệnh nhân sau thời gian điều trị bệnh giun chó, mèo

Bệnh viện Việt Đức từng phải phẫu thuật cấp cứu một cháu bé 2 tuổi ở Nghệ An vì bị ấu trùng giun tròn từ chó, mèo, do cháu thường xuyên chơi với chó, mèo.

Theo TS. Nguyễn Việt Hoa – Trưởng khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh của Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhi được đưa đến trong tình trạng nguy kịch, bụng trướng, sốt dai dẳng nhiều tháng không rõ nguyên nhân. Gia đình đã cho cháu bé đi điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Tới khi cháu sốt cao liên tục mới chuyển đến Bệnh viện Việt Đức.

Cháu phải mổ cấp cứu vì viêm phúc mạc và nhiễm trùng, nhiễm độc, thủng đoạn cuối hồi tràng và manh tràng. Theo TS. Nguyễn Việt Hoa, trên 1 đoạn ruột dài chỉ 30cm của cháu mà có khoảng 50 lỗ thủng, đường kính 0,5-1cm. Bác sĩ phải cắt đoạn hồi manh tràng đưa 2 đoạn ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo. Nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, chắc chắn cháu bị nguy hiểm tính mạng.

1.jpg
TS. Nguyễn Việt Hoa chăm sóc bệnh nhi sau phẫu thuật vì ấu trùng giun chó, mèo

Tránh để trứng giun vào người

Các chuyên gia Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương khuyến cáo: Ký sinh trùng ở người ngày càng giảm, nhưng ở chó, mèo lại ngày càng nhiều, do đó không được chủ quan với bệnh ấu trùng giun.

Để phòng tránh mắc bệnh ấu trùng giun, PGS.TS. Đỗ Trung Dũng lưu ý cần hạn chế tiếp xúc với chó mèo, tẩy giun cho chó, mèo định kỳ, đặc biệt là phải kiểm soát được phân chó, mèo, đảm bảo vệ sinh môi trường. Một vấn đề sơ đẳng nhưng vẫn cần phải nhắc lại là “ăn chín uống sôi”, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống sạch sẽ thường xuyên, để trứng giun không thể bám.