Hành lang pháp lý đầy đủ
Trong báo cáo Chính phủ mới đây về kết quả 5 năm thực hiện công tác tăng cường quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng, Bộ Y tế khẳng định việc kết nối liên thông cơ sở dữ liệu thuốc giúp phát hiện thuốc hết hạn dùng còn lưu tại cơ sở, kiểm soát giả mua, bán các loại thuốc, số lượng thuốc phải thu hồi; kiểm soát được chất lượng thuốc, nguồn gốc, xuất xứ, giá cả…
Đặc biệt việc sử dụng đơn thuốc điện tử khi bán thuốc theo mã đơn thông qua phần mềm của cơ sở bán lẻ thuốc sẽ giúp ngành y tế quản lý được việc bán thuốc theo đơn, giám sát được các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định bán thuốc kê đơn là phải có đơn thuốc, khi tình trạng mua bán thuốc mà không có đơn thuốc, hoặc mua thuốc nhiều lần trên một đơn thuốc, vẫn diễn ra.
Chính vì thế, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động kê đơn thuốc điện tử và xây dựng quy trình kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn thông qua đơn thuốc điện tử.
Riêng với việc triển khai kê đơn thuốc điện tử và liên thông tới Hệ thống đơn thuốc quốc gia, gần 2 năm qua, đã có 61/63 Sở Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho các cơ sở y tế công lập, 42/63 Sở Y tế tổ chức tập huấn trực tiếp cho các cơ sở y tế tư nhân. Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng được tập huấn online.
Bộ Y tế đã xây dựng cơ sở dữ liệu đơn thuốc quốc gia với Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn và xác lập tài sản công sở hữu toàn dân đối với Hệ thống này do tổ chức cho tặng. Các phần mềm tại các cơ sở kinh doanh dược đã được nâng cấp để tiếp nhận thông tin đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo đơn.
Với việc triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc với kê đơn thuốc điện tử, Bộ Y tế đã xây dựng được căn cứ pháp lý cơ bản đầy đủ cho hoạt động kê đơn thuốc điện tử.
Quá hạn rất lâu, ở tất cả các khâu
Theo Thông tư 04/2022 của Bộ Y tế, hạn cuối cho các bệnh viện từ hạng 3 trở lên thực hiện liên thông vào Hệ thống đơn thuốc quốc gia và bán thuốc theo đơn tại bệnh viện là ngày 31/12/2022, còn hạn cuối của các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ngoài công lập là 30/6/2023. Các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện bán thuốc theo đơn kết nối với Hệ thống đơn thuốc quốc gia cũng có hạn cuối vào ngày 30/06/2023.
Phần mềm của cơ sở KCB sẽ tạo ra đơn thuốc điện tử, gửi cho người bệnh và liên thông lên hệ thống đơn thuốc quốc gia của Bộ Y tế. Khi người bệnh tới cơ sở bán lẻ thuốc, thông qua mã đơn thuốc mà người bệnh cung cấp, phần mềm cơ sở bán lẻ thuốc nhập liệu sẽ kéo đơn về kiểm tra đơn và bán thuốc theo đơn, rồi gửi báo cáo về đơn đã bán, để tránh tái bán.
Tuy nhiên, thời hạn mà Bộ Y tế đề ra cho các cơ sở KCB qua đã hơn một năm và dù khâu chuẩn bị về hành lang pháp lý cho việc triển khai liên thông đơn thuốc của Bộ Y tế khá kỹ càng, nhưng với khối cơ sở bán lẻ thuốc tại 46 tỉnh, thành đã báo cáo, có hơn 70 nghìn cơ sở đã được cấp tài khoản kết nối cung ứng thuốc, đạt 97%, nhưng chỉ có 51 nghìn cơ sở (đạt 72,7%) cập nhật thông tin vào hệ thống.
Đặc biệt, với khối cơ sở KCB, sau 2 năm triển khai, đến nay, mới chỉ có 136,9 triệu đơn thuốc được liên thông trên tổng dự kiến 400-600 triệu đơn/năm. Chỉ có hơn 19,8 nghìn cơ sở KCB được cấp mã trên tổng gần 55 nghìn cơ sở và hơn 103,200 bác sĩ được cấp mã.
Ngay trong số hơn 19.000 cơ sở KCB được cấp mã cũng chỉ có hơn 8.000 cơ sở thường xuyên thực hiện liên thông đơn thuốc. Số đơn đã bán được báo cáo mới là 1,55 triệu và số đơn đã gửi điện tử là 13,290 triệu.
Cũng theo Bộ Y tế, ở nhóm các bệnh viện, cả nước mới chỉ có 986 bệnh viện đang thực hiện liên thông đơn thuốc trên tổng số 1.447 bệnh viện đang hoạt động, đạt 68%.
Số còn lại đã từng liên thông rồi tạm dừng, hoặc chưa hề liên thông đơn theo quy định, gồm 773 bệnh viện công lập và 213 bệnh viện tư nhân. Hiện, vẫn còn 461 bệnh viện chưa triển khai liên thông đơn thuốc, chiếm 32%.
Ở nhóm các trạm y tế, tình hình này còn thấp hơn: Trong tổng số 11.007 trạm y tế trên toàn quốc, chỉ có 5.029 trạm y tế thực hiện liên thông đơn thuốc đúng quy định, đạt 46%. Số trạm y tế chưa khai báo để cấp mã liên thông là 5.978 trạm, chiếm 54 %.
Ở mảng y tế tư nhân, toàn quốc có 47.546 cơ sở nhưng hiện chỉ có 2.458 cơ sở đang thực hiện liên thông đơn thuốc, đạt 5%. Số cơ sở y tế tư nhân chưa khai báo để cấp mã liên thông theo quy định của Bộ Y tế là 45.088 cơ sở, chiếm tới 95%.
Đặc biệt, trong số 39 bệnh viện tuyến trung ương, nhiều bệnh viện vẫn chưa liên thông đơn thuốc, thậm chí lãnh đạo cơ sở còn chưa hiểu rõ việc liên thông đơn thuốc về hệ thống để làm gì và có công năng gì.
Thực tế cho thấy tốc độ triển khai liên thông đơn thuốc của các cơ sở y tế cả công lập và tư đều rất chậm, nên số lượng cơ sở liên thông đơn thấp, trong khi đã quá thời hạn quy định của Bộ Y tế rất lâu. Số lượng cơ sở y tế đủ điều kiện nhưng chưa liên thông vẫn cao, cùng với số cơ sở liên thông đơn chưa đúng quy định cũng nhiều.
Vì thế, tình trạng kê đơn thuốc bằng tay, kê đơn không đúng quy định mẫu đơn thuốc của Bộ Y tế vẫn diễn ra cùng với tình trạng cơ sở bán lẻ thuốc chưa sử dụng mã đơn thuốc khi giao dịch bán thuốc theo đơn.
Số đơn đã bán chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ trên tổng số đơn đã kê: 1.551.314 đơn bán trong tổng 136.934.349 đơn kê, chỉ bằng 1,1%.
Lãnh đạo cơ sở y tế chưa thật sự quan tâm
Theo Hội tin học Y tế Việt Nam, nguyên nhân của việc chậm triển khai đơn thuốc điện tử này chủ yếu do lãnh đạo nhiều cơ sở KCB chưa quan tâm, chưa chỉ đạo sát sao và chưa thấy việc này cần thiết, chứ hoàn toàn không phải do triển khai khó khăn, vì việc thực hiện rất đơn giản khi phần mềm vốn có của đơn vị sẽ tự kết nối, tự liên thông đơn thuốc.
Để tình trạng này diễn ra còn do các Sở Y tế chưa thành lập đoàn thanh kiểm tra giám sát và tiến tới xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo Bộ Y tế, do bước đầu sử dụng, việc kết nối tại các cơ sở còn lúng túng, vướng mắc nên các Sở Y tế chủ yếu hướng dẫn, nhắc nhở. Chỉ có 4 Sở Y tế đã xử phạt 41 cơ sở không thực hiện kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc.
Một nguyên nhân nữa là tới thời điểm này, đã quá hạn quy định của TT27/2021/TT-BYT và TT04/2022/TT-BYT nhưng việc ban hành quy chế vận hành chính thức cho hệ thống đơn thuốc quốc gia vẫn chưa hoàn thiện, dù Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã chỉ đạo phải thực hiện xong từ tháng 3/2023.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng để đẩy nhanh tốc độ liên thông đơn thuốc khi hiện đã quá chậm trễ, Bộ Y tế và các Sở Y tế cần thành lập các đoàn thanh, kiểm tra để đánh giá việc triển khai tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở bán lẻ thuốc trong và ngoài công lập. Cần có chế tài xử phạt các đơn vị chậm trễ để thúc đẩy triển khai đúng quy định, đồng thời, đưa việc liên thông đơn thuốc thành tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở thường xuyên.
Giải pháp tiếp theo là Bộ Y tế và Sở Y tế tiếp tục ban hành những văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trên toàn quốc. Các Phòng Y tế địa phương đôn đốc kiểm tra giám sát việc thực hiện. Đặc biệt quan trọng là việc đôn đốc nhắc nhở Sở Y tế thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bộ Y tế, Sở Y tế và Hội tin học y tế Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn các Phòng Y tế, các cơ sở KCB, cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện đúng quy định.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu