Nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ quy hoạch chi tiết như vậy là thấp, cho thấy sự trì trệ trong việc triển khai các nhiệm vụ sau khi quy hoạch chung đã được phê duyệt. Điều đó ảnh hưởng đến việc quản lý cấp phép xây dựng, tạo điều kiện cho cơ chế xin – cho.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nêu ví dụ, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2011. Đã gần 5 năm nhưng nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng nội đô lịch sử cũng chưa được ban hành. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chạy” để thỏa thuận quy hoạch.
Ông Trần Ngọc Hùng tính toán, nếu vẫn giữ tiến độ thực hiện các quy hoạch chi tiết như những năm vừa qua, thì phải mất 25 năm nữa mới hoàn thành tất cả các quy hoạch này.
“Con số quy hoạch chi tiết đến năm 2010 đạt 20%, 2015 đạt 33%, kế hoạch 2016 đạt 35%. Bình quân mỗi năm tăng được 2,5%. Hiện còn 65% quy hoạch chi tiết chưa được lập, thẩm định, phê duyệt. Với tốc độ 2,5%/năm, tính bình quân chúng ta phải mất 25 - 26 năm nữa mới hoàn thành quy hoạch chi tiết”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, với tốc độ quy hoạch chi tiết như đang diễn ra, công tác phục vụ cho việc quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, cấp phép… tiếp tục lại phải thỏa thuận quy hoạch, phải xin - cho. “Chúng tôi nghĩ rằng phải tập trung rất cao độ về nhân lực, kinh tế, kinh phí để phục vụ công tác này”, ông Hùng nói.
Theo VOV