Quốc hội muốn Chính phủ “hợp nhất một số Bộ”

VietTimes -- Đó là một trong 8 giải pháp được Ủy ban Pháp luật Quốc hội nêu trong Báo cáo về kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Hình minh họa. Nguồn: VTV
Hình minh họa. Nguồn: VTV

Theo đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề xuất những giải pháp, kiến nghị cụ thể để tạo cơ sở pháp lý tiếp tục đổi mới, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tiếp tục sắp xếp  các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp.

Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị tiếp tục nỗ lực kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng xác định hợp lý số đầu mối trực thuộc, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động.

Đặc biệt, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị tiến hành nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan. Tiến hành nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước.

Chính phủ và các Bộ cũng được đề nghị tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ.

Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, nghiên cứu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng như mô hình tổ chức của các Bộ.

Giảm số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương; giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả. Từ năm 2018, việc thành lập mới tổ chức liên ngành phải có thời hạn (hết thời hạn thì đương nhiên chấm dứt). Kiên quyết không thành lập mới các tổ chức phối hợp liên ngành làm phát sinh bộ phận chuyên trách, tăng biên chế.

Khẩn trương sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm tối đa đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Đẩy mạnh việc xã hội hóa, mở rộng tự chủ của các đơn vị, hạn chế tối đa việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập tại những địa bàn mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư thành lập.