Ông Phúc cho biết, về cơ bản đến nay, các công tác chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng đã hoàn tất. Điểm đặc biệt là QH sẽ dành thời gian 12 ngày cuối kỳ họp bàn về công tác nhân sự.
Cụ thể, từ ngày 4 đến 16/4, QH sẽ xem xét quyết định về công tác nhân sự nhà nước. Lịch trình cụ thể sẽ có trong chương trình trình QH tại phiên họp trù bị vào ngày khai mạc 21/3. Sau khi kết thúc nội dung công tác nhân sự, QH họp phiên bế mạc.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, đại biểu sẽ xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của QH, các cơ quan của QH; nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng kiểm toán Nhà nước.
QH sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, trong đó có luật Tiếp cận thông tin, luật Báo chí (sửa đổi)...
Các đại biểu cũng sẽ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020; phê chuẩn thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Dự kiến thời gian kỳ họp diễn ra trong 22,5 ngày.
Tại phiên họp cuối của TVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần khái quát được tinh thần, những thành công của nhiệm kỳ Quốc hội là do có sự đồng tình, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước.
Theo ông Hùng, một trong những bài học kinh nghiệm Quốc hội khóa 13 cần nhấn mạnh là “bài học nhân dân”. “Tức là Quốc hội kỳ này từ Chủ tịch đến các đại biểu trước hết là cử tri, là người dân, sống trong dân, chứ không phải Quốc hội đứng trên dân, tạo dân chủ cho nhân dân”, ông Hùng nói.
"Người tử tế mới là đại diện của dân được. Làm người tử tế không dễ, phải làm tốt chức năng của đại biểu Quốc hội, được dân đồng tình, ủng hộ, đóng góp ý kiến và dân giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đánh giá cao vai trò của nhân dân, ông Hùng ví von: “Mình là ắc quy, dân như là điện. Nếu nạp vào mới chạy được, còn nếu hết điện thì không thể chạy được đâu”.