Quảng Ninh: Công nghệ số hỗ trợ trẻ em bảo vệ bản thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều trường hợp trẻ em ở Quảng Ninh và một số địa phương khác đã được bảo vệ, hỗ trợ qua các kênh tương tác trực tuyến của Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Thị Luận - Chủ tịch Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh và các cháu nhỏ trong một chương trình đào tạo nâng cao nhận thức cho trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Luận - Chủ tịch Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh và các cháu nhỏ trong một chương trình đào tạo nâng cao nhận thức cho trẻ em.

Sự phát triển của công nghệ số đã và đang diễn ra ở khắp mọi vùng miền của đất nước. Trẻ em sớm có kỹ năng số sẽ có được nhiều lợi thế trong học tập, hoạt động xã hội và tạo những tiền đề cho phát triển nghề nghiệp sau này. Ngày nay kỹ năng số đang trở thành nhu cầu của mọi người để hình thành công dân trong kỷ nguyên số.

Tuy nhiên để giúp hỗ trợ cho học tập và các hoạt động khác trong môi trường số, trẻ cần có kiến thức và kỹ năng. Trẻ cần biết tìm kiếm thông tin, tích lũy thông tin, biến thông tin thành kiến thức. Trong bối cảnh của mạng xã hội như Facebook hay Zalo phát triển, việc này có cả mặt trái. Trẻ em cần có kiến thức và kỹ năng để sử dụng mạng xã hội đúng với mục đích và an toàn cho bản thân. Giao tiếp trên không gian mạng có thể chịu tác động cả những mặt tích cực hoặc tiêu cực. Cùng với đó, những hành vi chửi bới, lăng mạ hoặc đe dọa bạo lực đã xảy ra và gây ra những hậu quả đáng tiếc cho trẻ.

Trao đổi với VietTimes về nhu cầu phát triển kỹ năng số cho trẻ, bà Nguyễn Thị Luận - Chủ tịch Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh (Hội viên Hội Truyền thông số Việt Nam) - cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em cần phải lấy trẻ em là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Tiến trình chuyển đổi số trong cách thức tiếp cận trẻ em của Liên Chi hội cần phù hợp với đặc điểm của trẻ em từng thời kỳ.

"Chính vì thế, Liên Chi hội đã nghiên cứu, thực hiện và triển khai Hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng sẽ là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công tác tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em. Điều này cũng được UNICEF và UNESCO khẳng định" - bà Luận nói.

Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh là tổ chức trẻ em đầu tiên trong cả nước được công nhận là tổ chức tín nhiệm mạng bởi Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Được biết, thời gian qua, nhóm tác giả Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, triển khai Hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em. Hệ thống bao gồm 3 ứng dụng, kênh chính là Trang thông tin điện tử tổng hợp dành cho trẻ em, phần mềm trực tuyến và các trang mạng xã hội giúp thu hẹp khoảng cách số, kết nối nhanh chóng các vấn đề cần quan tâm giữa trẻ em và các bậc phụ huynh với các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, đáp ứng tối đa khả năng tiếp cận và tương tác đến mọi đối tượng quan tâm đến các vấn đề về bảo vệ quyền trẻ em, cũng như phát triển kỹ năng số cho trẻ em ở Quảng Ninh.

Thực tế, mỗi năm, Liên Chi hội kết nối với hàng ngàn trẻ em, các nhà giáo dục, những người hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, các doanh nhân, nữ tri thức nhằm thúc đẩy quyền trẻ em tại Quảng Ninh cũng như trong cả nước. Hoạt động của các chi hội đã góp phần tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em.

Tập huấn nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và các biện pháp tự vệ cho trẻ là hoạt động thường xuyên, mang lại hiệu ứng tích cực của Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh.

Tập huấn nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và các biện pháp tự vệ cho trẻ là hoạt động thường xuyên, mang lại hiệu ứng tích cực của Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh.

Hỗ trợ hiệu quả qua kênh tương tác trực tuyến

Thực tế thời gian qua, Liên Chi hội đã tiếp nhận được nhiều phản hồi và xin trợ giúp từ trẻ em qua các kênh truyền thông. Trong đó có trường hợp em P.T.N (SN 2005) tại Bắc Sơn, Móng Cái bị quấy rối tình dục và xúc phạm bằng lời nói khiến em bị bất an, ảnh hưởng về mặt tâm lý dẫn đến cuộc sống sinh hoạt và học tập bị gián đoạn. Em P.T.N đã tìm kiếm trên Google các cơ quan, đơn vị bảo vệ quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau khi tìm được website của Liên Chi hội, P.T.N đã kick vào đường link trên website điều hướng đến fanpage Facebook của đơn vị, chủ động nhắn tin vào hộp thoại, gửi thông tin và trình bày vấn đề, đồng thời làm đơn xin hỗ trợ, giúp đỡ từ Liên Chi hội, chụp hình và gửi trực tiếp vào page.

Nhờ đó, Liên Chi hội đã kịp thời nắm bắt tình hình, tư vấn tâm lý cho em, đồng thời có cơ sở để gửi văn bản thông tin đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để làm rõ và giải quyết vụ việc của em. Nhờ sự nhanh chóng của mạng xã hội và Internet, trường hợp của em P.T.N đã được giải quyết kịp thời và chưa có sự việc đáng tiếc nào xảy ra. Em P.T.N cảm thấy an tâm và đã quay trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường như trước.

Ngoài ra còn có trường hợp của em B.T.M (SN 2007) tại Hồng Gai, Hạ Long. Em B.T.M phải chịu những tác động tâm lý, trừng phạt tinh thần từ những câu nói của mẹ do kết quả học tập không được như ý. Sau khi tìm kiếm các đơn vị bảo vệ trẻ em trên Facebook, em B.T.M đã tìm ra fanpage của Liên Chi hội, nhắn tin vào hộp thoại về trường hợp của bản thân và xin được tư vấn. Liên Chi hội đã kết nối em B.T.M với chuyên gia tư vấn tâm lý của đơn vị thông qua Zalo, qua trao đổi tương tác và tư vấn hằng ngày, em B.T.M đã tháo gỡ được những khó khăn của bản thân.

Bên cạnh đó, có rất nhiều em nhắn tin qua hộp thoại trên website và page Facebook quan tâm đến các kiến thức về quyền trẻ em và những vấn đề tâm lý khác. Liên Chi hội hiện đang thực hiện số hóa các kiến thức, thông tin dưới dạng hình ảnh một cách sinh động, ngắn gọn và dễ hiểu, đăng tải trực tiếp trên website để trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận trên môi trường Internet.

“Công nghệ số hiện đang phát triển và thay đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết. Trong thời gian tới đây, Liên Chi hội sẽ nỗ lực cập nhật thường xuyên những thay đổi của công nghệ để điều chỉnh cách thức tiếp cận và là người đồng hành hỗ trợ trẻ em nhằm đạt hiệu quả cao nhất, tiến đến tạo dựng một môi trường xã hội phát triển tốt nhất dành cho trẻ em” - Chủ tịch Liên Chi hội Nguyễn Thị Luận bày tỏ.

Hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em là giải pháp có ý nghĩa xã hội, có tính nhân văn sâu sắc và đang tham dự Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards - VDA) ở hạng mục 4 - Sản phẩm, Giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng.

Đây là Giải thưởng danh giá, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sự đổi mới, đóng góp xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số nhằm hiện thực hoá khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam.

Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2018, do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, VietTimes chủ trì tổ chức thực hiện.