Theo UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương chỉ thống nhất cho phép Công ty TNHH thép Việt Pháp khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với quy mô diện tích khoảng 17,3ha và chưa thống nhất với tổng mức đầu tư của dự án là 975 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư chỉ được UBND tỉnh xem xét tại Quyết định chủ trương đầu tư.
Về địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành. Dự án phải đảm bảo các yêu cầu, thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp với cấp độ độc hại của Nhà máy; có báo cáo tác động môi trường phải đảm bảo quy định và được Sở TNMT chấp thuận.
Về công nghệ sản xuất của nhà máy là sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu là sắt thép phế liệu để sản xuất ra phôi thép. Và chủ yếu là phát sinh bụi và khí thải. "Công nghệ sản xuất của Nhà máy thép Việt Pháp là nấu thép phế liệu ra phôi thép, khác với Formosa Hà Tĩnh là tổ hợp nhà máy luyện cán thép, nhiệt điện,...; Formosa Đồng Nai là liên hợp nhà máy sợi - hạt nhựa - nhiệt điện. Nên việc so sánh việc ô nhiễm giữa Nhà máy thép Việt Pháp với Formosa Hà Tĩnh và Đồng Nam là không có cơ sở, dẫn đến hiểu nhầm", ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định.
Liên quan đến nhà máy thép này, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là dự án thuộc diện di dời từ khu vực đông dân cư sang địa điểm khu vực xa dân cư do quá trình vận hành thử đã gây ra tiếng ồn và khí thải khiến người dân phản đối, chứ không phải dự án đầu tư mới.
Được biết, Nhà máy thép Việt Pháp đang hoạt động tại Cụm công nghiệp Thương Tín (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được Sở KHĐT tỉnh này cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 25/8/2009. UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư thời hạn 50 năm từ năm 2011. Thời gian xây dựng từ năm 2010 đến cuối năm 2011. Và Đ vào hoạt động từ năm 2012 cho đến nay.
Trong quá trình hoạt động tại Cụm công nghiệp Thương Tín, nhà máy sản xuất thép Việt Pháp đã gây ra ô nhiễm môi trường và bị người dân phản đối buộc phải di dời khỏi khu vực và theo kế hoạch, Nhà máy sẽ di dời đến vị trí mới tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.
Theo kế hoạch di dời nhà máy do Công ty Thép Việt Pháp đưa ra có đề nghị nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí gần 124 tỉ đồng thì mới có điều kiện tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề di dời vẫn đang được UBND huyện Nam Giang, Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Quảng Nam xem xét.
Trước đó, trước phản ảnh của các cơ quan báo chí, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự quan ngại về dự án nhà máy thép tại khu vực thượng nguồn sông Vu Gia sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho TP Đà Nẵng. Và đề nghị được UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án.