Quân Nga “lên đời” đánh đông dẹp bắc, Mỹ-NATO coi chừng

VietTimes -- Chương trình hiện đại hóa bao gồm tất cả các thành phần của quân đội Nga, từ lực lượng hạt nhân chiến lược đến các lực lượng phi hạt nhân và quy ước. National Interest (NI) khuyến cáo Mỹ cần phải chú ý.
Siêu tăng Armata của Nga được cho là có thể robot hóa
Siêu tăng Armata của Nga được cho là có thể robot hóa

Nga đang trong quá trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Việc này xuất phát từ tham vọng khôi phục lại vị thế quyền lực nước Nga của tổng thống Vladimir Putin và dựa trên nguồn thu dồi dào giai đoạn 2004-2014 khi giá dầu ở mức cao.

Chương trình hiện đại hóa bao gồm tất cả các thành phần của quân đội Nga, từ lực lượng hạt nhân chiến lược đến các lực lượng phi hạt nhân và quy ước. National Interest (NI) khuyến cáo Mỹ cần phải chú ý. Nga có thể là một cường quốc suy yếu nhưng vẫn có khả năng gây ra những bất ổn lớn. Những năm gần đây, Kremlin đã cho thấy sự sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự.

Lực lượng hạt nhân chiến lược

Nga đang hiện đại hóa cả 3 thành phần trong bộ ba hạt nhân chiến lược. Nga đang duy trì 8 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei mang tên lửa đạn đạo (SSBN) và đang trong lộ trình 10 năm chế tạo 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), cũng như các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Nga cũng đang nâng cấp các máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160 Blackjack và chính thức xem xét mở lại dây chuyền sản xuất loại máy bay này.

Tuy nhiên, tạp chí Mỹ cho rằng chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga không quá đáng ngại bởi sau khi Liên Xô sụp đổ, kinh tế Nga đã rơi tự do nhiều thập kỷ và ngân sách quốc phòng chỉ nhận được phần khiêm tốn so với thời Liên Xô. Và chỉ tới giữa những năm 2000 mới bắt đầu có sự thay đổi.

Chương trình hiện đại hóa bộ ba hạt nhân vẫn dựa nhiều vào các hệ thống cũ mà Nga đã chuẩn bị cho nghỉ hưu. Chẳng hạn các tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-18, SS-19 và SS-25 đều được lên kế hoạch cho nghỉ hưu vào năm 2020.

Các tàu ngầm lớp Borei sẽ được thay thế bằng các tàu ngầm lớp Delta, tất cả đều được chế tạo trước năm 1991. Hải quân Mỹ bình thường cũng đang duy trì hoạt động khoảng một nửa trong số 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio.

Việc Moscow xem xét mở lại dây chuyền sản xuất Tu-160 đáng ngạc nhiên. Nga hiện đang duy trì hoạt động hơn chục chiếc máy bay loại này. Quyết định nối lại sản xuất Tu-160 cho thấy vấn đề và sự trì hoãn việc chế tạo máy bay ném bom thế hệ mới PAK-DA, ban đầu dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối thập kỷ này.

Các lực lượng phi hạt nhân

Trong khi đó, các loại vũ khí phi hạt nhân của Nga lại gây lo ngại hơn. Phương Tây cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) 1987 bằng việc thử tên lửa hành trình tầm trung. Loại tên lửa như vậy sẽ không gây ra đe dọa trực tiếp với Mỹ nhưng Washington cáo buộc đã vi phạm INF và đe dọa các đồng minh của Mỹ cũng như các nước ở châu Âu và châu Á.

Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến tại Syria    ảnh: RT
Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến tại Syria ảnh: RT

Có vẻ như Nga đã phát triển khả năng phi hạt nhân, bao gồm các tên lừa hành trình, các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay. Trái lại, Mỹ lại giảm số lượng và chủng loại các vũ khí hạt nhân phi chiến lược mà hiện chỉ có duy nhất loại bom hạt nhân B61.

Đặc biệt lo ngại là Nga dường như tập trung vào các vũ khí hạt nhân cấp độ thấp, mà một số quan chức gọi đó là đòn “phẫu thuật hạt nhân” phù hợp với học thuyết “hóa giải xung đột” hạt nhân của Nga.  Học thuyết này chủ trương leo thang nhằm hóa giải xung đột, bằng cách sử dụng các vũ khí hạt nhân cấp độ thấp như một công cụ để kết thúc một cuộc xung đột thông thường theo hướng có lợi cho Kremlin, NI nhận định.

Chiến lược an ninh quốc gia Nga xác định vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt vào Nga hoặc một trong các đồng minh của Nga, hoặc trường hợp tấn công Nga với lực lượng thông thường đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước. Ông Putin đã công khai nhắc tới vũ khí hạt nhân trong học thuyết “hóa giải xung đột” và sự hiện đại hóa sâu rộng các lực lượng hạt nhân phi chiến lược cho thấy chiến lược an ninh có thể bao hàm việc sử dụng các loại vũ khí trên trong những hoàn cảnh rộng hơn. 

Lực lượng quy ước

Nga cũng đang hiện đại hóa các lực lượng thông thường và đặt ra mục tiêu trang bị 70% vũ khí hiện đại cho quân đội vào năm 2020. Lộ trình này phù hợp với các chiến thuật tác chiến, một số được phát triển sau khi quân đội Nga chứng tỏ trình độ tác chiến yếu kém trong cuộc xung đột 2008 với Georgia.

Việc sử dụng các lực lượng tác chiến đặc biệt tại Crimea – như đội quân “những người lịch sự” không mang phiên hiệu- đã chứng tỏ tính hiệu quả trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga đã chứng tỏ khả năng nhanh chóng tập trung hỏa lực vào các mục tiêu khi các đơn vị quân đội quy ước tiến vào Ukraine vào tháng 8/2014 và đầu 2015.

Tuy nhiên theo NI, các lực lượng quy ước của Nga cũng có giới hạn. Trước tiên, không rõ Moscow đã tiến bộ được bao nhiêu trong việc xóa bỏ khoảng cách lạc hậu công nghệ với quân đội phương Tây. Một số năng lực của Nga quả thực rất hiện đại như các tên lửa hành trình hải quân Nga phóng từ biển tấn công các mục tiêu tại Syria. Dĩ nhiên, hải quân Mỹ đã chứng tỏ năng lực này trong cuộc chiến chống Iraq từ năm 1991.

Tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm Nga khiến phương Tây kinh ngạc
Tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm Nga khiến phương Tây kinh ngạc

Trong khi không quân Nga sử dụng một số loại vũ khí thông minh đánh các mục tiêu tại Syria, phần lớn còn lại dường như vẫn là “bom ngu”. Trái lại, phần lớn vũ khí Mỹ sử dụng chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là vũ khí thông minh.

Moscow cũng đối mặt với vấn đề chậm trễ mới: các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt với Nga do cuộc khủng hoảng Urkraine đã phong tỏa một số sản phẩm xuất khẩu của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Thu hẹp khoảng cách công nghệ sẽ vẫn là một thách thức lớn. Một vấn đề liên quan khác là sự phụ thuộc của các xưởng đóng tàu Nga vào các nhà sản xuất động cơ Ukraine và nguồn cung hiện nay đã bị cắt.

Hạn chế thứ hai với quân đội Nga là thực tế  tỷ lệ binh sĩ nghĩa vụ vẫn chiếm số lớn trong quân đội. Lính nghĩa vụ chỉ phục vụ trong quân đội Nga một năm, rất khó để nâng cao tính chuyên nghiệp mà quân đội các nước phương Tây đã đạt được.

Đau đầu ngân sách

Thiếu ngân sách đã không cho phép quân đội Nga tiến hành hiện đại hóa quân đội mạnh mẽ trong giai đoạn 1991-2005. Thực tế này có thể sẽ lặp lại. Đối mặt với giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga bị teo lại gần 4% trong năm 2015. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định xu thế này sẽ tiếp tục trong năm 2016.

Ngân sách chính phủ Nga năm 2016 được xây dựng trên cơ sở giá dầu 50 USD/thùng. Vào tháng 1/2016, giá dầu chỉ còn 34 USD/thùng sau khi đã rớt xuống mức 28 USD. Các bộ của Nga đã phải cắt giảm 10% chi tiêu, không rõ việc này có được áp dụng cho quân đội hay không. Nếu như giá dầu vẫn tiếp tục thấp, ngân sách quốc phòng có thể không tránh khỏi bị cắt giảm. Alexey Kudrin, bộ trưởng tài chính hai nhiệm kỳ đầu của ông Putin gần đây đã thừa nhận rằng cắt ngân sách quốc phòng là việc “không tránh được”. Điều này có thể cản trở những nỗ lực hiện đại hóa quân đội Nga.

Không có biểu hiện nào cho thấy Mỹ và NATO không chú ý tới những gì quân đội Nga đang làm. Theo NI, Mỹ và NATO cần phải đặc biệt để mắt tới chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga và về những gì họ phải làm để đáp trả.

Mỹ và NATO cần chú tâm tới sự phối hợp chương trình hiện đại hóa các vũ khí phi chiến lược và học thuyết “hóa giải xung đột”. NATO nên dành nhiều nguồn lực hơn cho phòng ngự lãnh thổ thông thường. NATO có ưu thế tổng thể về số lượng và chất lượng  nhưng cần các khả năng quy ước để giữ ưu thế đó. Cần phác thảo và và cơ cấu lực lượng để xử lý một cuộc khủng hoảng tại khu vực Baltic, nơi quân đội Nga có ưu thế áp đảo.

NATO cũng cần đảm bảo không quân có thể tác chiến thành công trong môi trường phòng không nguy hiểm do Nga đã triển khai các hệ thống phòng không tối tân. Không chỉ về các lực lượng NATO mà cả về học thuyết và có những  ý đồ tác chiến đối phó với những năng lực mới của Nga.

*Lược dịch bài viết của tác giả Steven Pifer, giám đốc chương trình Sáng kiến kiểm soát và không phổ biến vũ khí thuộc Viện Brookings.

T.N