Trang bị quân đội và chiến lược bị phương Tây giễu là “lỗi thời”, không quân sử dụng các loại bom và tên lửa “ngu chứ không phải loại thông minh”, hải quân lạc hậu. Nhiều thập kỷ qua, đó là quan điểm của giới lãnh đạo quân sự phương Tây khi hạ cố đánh giá về các đồng nghiệp Nga.
Thế nhưng những gì được chứng kiến tại Syria và Ukraine đã gây sốc cho phương Tây.
Các chiến đấu cơ Nga hiện nay đã thực hiện số lần xuất kích trong ngày tại Syria còn nhiều hơn cả liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu trong một tháng. Hải quân Nga đã phát động đòn đánh tên lửa hành trình từ biển Caspian, tấn công các mục tiêu tại Syria tới 900 dặm, cũng như đảm bảo tuyến tiếp tế cho đội quân viễn chinh tại Syria.
Hệ thống phòng không do Nga thiết lập tại Syria và đông Ukraine khiến cho bất cứ động thái nào của phương Tây chống chính quyền Assad và dân quân lý khai Ukraine đều trở nên cực kỳ mạo hiểm.
Tướng Ben Hodges, tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Âu đã mô tả những tiến bộ trong tác chiến điện tử của Nga tại Ukraine và Syria – một lĩnh vực trước nay Nga vẫn bị coi là lạc hậu- như “rửa mắt” với phương Tây.
Tư lệnh không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, tướng Frank Gorenc đã tiết lộ rằng hiện Moscow đã triển khai các hệ thống phòng không tối tân tại bán đảo Crimea sau khi sáp nhập vào Nga năm 2014, cũng như tại vùng lãnh thổ Kaliningrad nằm ngay trong lòng châu Âu. Thực trạng này khiến cho NATO “rất, rất khó” tiếp cận an toàn các khu vực ở Baltic, bao gồm cả Ba Lan.
Không chỉ các nước thành viên NATO lo ngại về sự tiến bộ của Nga. Israel cũng bất an, chứng kiến việc Nga thiết lập các hệ thống vũ khí tiên tiến ở biên giới phía nam Syria. Israel e sợ các vũ khí này bởi sự tối tân của chúng và rồi rốt cuộc chúng sẽ rơi vào tay Iran, quốc gia vốn được coi là mối đe doạ thường trực với nhà nước Do Thái và với các nước Arab, thực tế như vậy đang phá huỷ ưu thế không quân của Israel trước các quốc gia láng giềng.
Năng lực quân sự này đang củng cố thắng lợi chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chiến dịch can thiệp quân sự của ông vào Syria là một bước ngoặt và mọi điều diễn ra đều nằm trong tay ông. Cuộc xung đột Ukraine tạm lắng dịu theo ý đồ của ông. Nga đang liên minh với người Kurd, không hề nao núng trước sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ. Và hiện Nga đang quay sang mở rộng ảnh hưởng tại Ai Cập, một động thái chưa từng thấy từ 44 năm qua, kể từ thời tổng thống Anwar Sadat bị lật đổ.
Ông Putin đã thưởng thức cảm giác mãn nguyện khi khiến cho phương Tây mục kích “lần đầu tiên những vũ khí đó tồn tại, rằng chúng chúng có chất lượng cao và Nga sở hữu đội ngũ con người được rèn luyện tốt để có thể sử dụng một cách hiệu quả. Họ giờ đây cũng được chứng kiến rằng Nga đã sẵn sàng dùng chúng nếu như điều đó phục vụ lợi ích của người dân và đất nước chúng ta”.
Tại Syria, Nga đang tiến hành các nhiều đợt không kích trong một ngày, có khi lên tới 96 lần, bằng liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện trong cả tháng. Điều này thực sự đáng chú ý khi các nhà hoạch định quân sự NATO cảm thấy sự hạn chế ập tới nhanh thế nào khi thực hiện chiến dịch không kích Lybia và Kosovo.
Một lý do giải thích cho số lượng xuất kích nghèo nàn của liên quân là các quốc gia Hồi giáo Sunni tham gia không kích rất hạn chế và chỉ tập trung nhằm vào phiến quân Houth được Iran hậu thuẫn tại Yemen. Còn các chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ tập trung chống người Kurd hơn là IS.
Giới chức quân sự phương Tây cũng cáo buộc rằng Nga đang không kích và các nhóm phiến quân khác chứ không phải IS. Tuy nhiên, Nga chưa bao giờ cam kết chỉ tấn công IS. Thay vì thế, Nga tuyên bố “tất cả những kẻ khủng bố” đều là mục tiêu. Kinh nghiệm của Nga trong cuộc chiến Chechnya cho thấy Nga bạo tay hơn phương Tây. Thực tế là Nga không đủ bom và tên lửa thông minh trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự tại Syria.
Chiến đấu cơ, tên lửa và bom đạn được sử dụng trong giai đoạn đầu là sự tổng hợp các loại vũ khí cũ có từ kỷ nguyên Xô viết và những loại tương đối mới. Có 34 máy bay cánh cứng đóng trú tại căn cứ không quân ở Latakia, gồm 12 Su-25 và 4 Su-30SM; 12 Su-24M2 đã cũ và 6 Su-34. Ngoài ra còn có các trực thăng chiến đấu và một số lượng không xác định máy bay không người lái.
Tuy nhiên, các chiến đấu cơ Su-34 Fullback đang dần thay thế cho các máy bay cường kích thế hệ cũ. Một trong số đó là Su-25, một cựu binh trong các cuộc chiến tại Chechnya và Georgia, vốn rất dễ tổn thương trước các loại tên lửa phòng không vác vai mà Moscow nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cung cấp cho các nhóm phiến quân Hồi giáo Sunni.
Nga đã triển khai các hệ thống phòng không tối tân sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay cường kích Su-24. Hệ thống S-400 Triumph đáng sợ khiến Israel lo cuối cùng sẽ rơi vào tay thế lực xấu. S-400 có hệ thống radar chủ động liên tục giám sát bầu trời và khẩu đội tên lửa có thể bắn hạ mục tiêu cách 250 dặm. Một trong các hệ thống như vậy triển khai tại căn cứ không quân Nga tại Latakia có thể khống chế nửa không phận Israel.
Nga còn triển khai hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 tại Ukraine và Syria, có khả năng gây nhiễu các máy bay trinh sát, cảnh báo sớm và các hệ thống radar vệ tinh của NATO.
Tướng Gorenc, trong khi lấy làm tiếc về việc Nga triển khai các loại vũ khí trên và lo lắng về khả năng của NATO, đã thừa nhận rằng Nga không hề vi phạm bất cứ thoả thuận nào và “có mọi quyền” để triển khai các hệ thống vũ khí trên. Tại Syria, tướng Gorenc nói Nga đang sử dụng tên lửa hành trình, máy bay ném bom. Rõ ràng Nga đang thể hiện khả năng mình có để gây ảnh hưởng tới không chỉ các sự kiện trong khu vực, mà cả cả trên tầm quốc tế.
* Lược dịch bài viết trên the Independent (Anh)
T.N
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu