Quan chức không giải trình được tài sản tăng thêm sẽ bị ra tòa

Đây là một trong những nội dung mới được đưa ra tại dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo đó, tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức khi được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thì phải kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài ra, những người làm việc trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cũng nằm trong diện kê khai.

Dự thảo đã bỏ quy định về kê khai hằng năm và thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung. Đồng thời đưa ra nguyên tắc người dự kiến bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ thì phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại hội nghị cử tri, cuộc họp bầu, phê chuẩn hoặc lấy phiếu tín nhiệm khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ. Bên cạnh đó, dự thảo luật hiện đang để 2 phương án thực hiện công khai bản kê khai đối với người có nghĩa vụ kê khai nói chung. Phương án 1 quy định bản kê khai của công chức là đảng viên phải được công khai tại cuộc họp nơi người đó sinh hoạt sau khi tiến hành kê khai (thu hẹp) và phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành (người có nghĩa vụ kê khai gồm cả cán bộ, công chức, viên chức phải công khai tại nơi thường xuyên làm việc).

Đáng chú ý, dự thảo này đưa ra các quy định xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực. Theo đó, nếu kết quả xác minh kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai, thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch; hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý.

Trong trường hợp tài sản thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý thì sẽ được giải quyết bằng một vụ án dân sự theo pháp luật về tố tụng dân sự.

Đặc biệt, dự thảo luật đã đề xuất quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng, Thanh tra Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước…

Theo Thanh niên