Ngày 16/7, hai vị Tổng thống Nga và Mỹ gặp nhau tại thủ đô Phần Lan Helsinki. Đây là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng cuộc gặp mang tính lịch sử này lại diễn ra vào lúc có những điều kỳ quặc xảy ra.
Vào trước ngày ông Donald Trump gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin, Bộ Tư pháp Mỹ đột nhiên ra tay điều tra vụ bê bối “thông Nga”. Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein tuyên bố khởi tố 12 nhân viên tình báo Nga, cáo buộc họ trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã đột nhập hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ Mỹ lấy cắp các e-mail liên lạc giữa các thành viên cao cấp của đảng này để xoay chuyển tình hình có lợi cho ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump. Tất cả 12 người nằm trong danh sách của Bộ Tư pháp đều được cho là nhân viên của Cục Tình báo quân sự Nga (GRU).
Cuộc gặp có khiến quan hệ hai nước tốt đẹp lên không là điều rất được quan tâm
|
Nhiều quan chức Mỹ đã nhân cơ hội này kịch liệt phản đối việc ông Trump gặp gỡ Putin. Cả Chủ tịch Đảng Dân chủ Tom Perez lẫn Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain đều lên tiếng kêu gọi ông Donald Trump hủy bỏ chuyến đi này.
Ngoài ảnh hưởng của vụ án gián điệp Nga, nước Anh – đồng minh thân cận của Mỹ cũng có những mâu thuẫn với ông Putin trước đó do vụ án “cựu điệp viên Nga bị đầu độc”. Mỹ và các nước châu Âu trước đây vì vụ này đã tới tấp trục xuất các nhà ngoại giao Nga ra khỏi nước họ. Tại Hội nghị lãnh đạo quốc gia các nước NATO, các nước đều bày tỏ thống nhất lập trường với Anh, cho rằng rất có thể Nga đã tham dự vào vụ này.
Sự bùng nổ vụ án gián điệp “thông Nga” và quan hệ xấu giữa Anh và Nga đã khiến cuộc gặp thượng đỉnh Putin – Trump chịu nhiều áp lực và gây tranh cãi. Ngay bản thân Donald Trump cũng nói, ông không trông chờ nhiều vào kết quả của cuộc gặp gỡ này. Nếu đã không hy vọng nhiều vào kết quả thì vì sao ông lại lựa chọn lúc này để đi gặp gỡ ông Putin?
Các nhà quan sát cho rằng, có hai điểm liên quan:
Trước hết, đó là liên quan đến tính cách cá nhân của Donald Trump. Từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng đã không ngớt lời ca ngợi các chính trị gia “người hùng” trên thế giới, coi đó là chuyện thường xuyên của ông. Ví dụ trước đây ông từng ca ngợi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và khen ngợi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al Sisi là “người rất cừ”. Có thể thấy rất rõ, ông Donald Trump thích kết giao, thiết lập quan hệ với các chính trị gia nổi tiếng. Trước khi trở thành tổng thống, Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ hâm mộ ông Putin, nói: “Putin là người hùng nước Nga, mạnh hơn nhiều tổng thống của chúng ta (ám chỉ ông Obama khi đó”.
Cảm tình cá nhân là nguyên nhân quan trọng khiến Donald Trump gặp gỡ Putin
|
Sau khi trở thành tổng thống, ông cũng chẳng hề né tránh việc ca ngợi ông Putin, gọi ông là “lãnh tụ tốt”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng từng chỉ trích Donald Trump “khâm phục Putin một cách kỳ lạ”. Do đó, việc ông Donald Trump xúc tiến việc gặp gỡ Putin rất có thể có liên quan lớn đến việc có cảm tình với những người hùng chính trị.
Thứ hai, vào lúc xảy ra vụ án “thông Nga”, ông Donald Trump gặp gỡ Putin cũng có ý tạo thế trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ngay trước khi lên đường đi gặp Putin, ông Trump vẫn bày tỏ: thái độ cứng rắn với Nga của ông sẽ không thay đổi. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, ông vẫn “nã pháo” vào Nga khi nói “Đức đã trở thành tù binh của Putin”.
Xét từ thông tin do hai bên tiết lộ thì có thể Donald Trump và Putin sẽ tiến hành hội đàm về các vấn đề nhạy cảm “hạt nhân Triều Tiên”, “gián điệp”, qua đó thể hiện rõ lập trường và thái độ của mình; ngoài việc làm dịu lại những ầm ĩ về vụ “thông Nga” ở trong nước Mỹ, Donald Trump còn muốn tạo thế cho mình trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Điều quan trọng hơn là, sau khi Donald Trump hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un , ông đã được cả thế giới quan tâm, ca ngợi; nếu nay ông lại gặp Putin thì cũng sẽ trở thành tiêu điểm của quốc tế. Từ khi vào Nhà Trắng, Donald Trump luôn phê phán chính sách của chính phủ Barak Obama và muốn vượt lên người tiền nhiệm về thành tích chính trị. Trong thời kỳ nhạy cảm này, Donald Trump gạt bỏ mọi trở ngại, lựa chọn chính thức gặp gỡ ông Putin lần đầu tiên tại một nước thứ ba cũng là để thỏa mãn việc theo đuổi thành tích chính trị của bản thân và lập được thành tích mà chính phủ tiền nhiệm không đạt được.
Tuy nhiên, mâu thuẫn Mỹ - Nga không hề đơn giản. Hai nước tồn tại bất đồng lớn trong một loạt vấn đề như chiến sự Syria, cuộc khủng hoảng Ukraina, chiến tranh thương mại, năng lượng, quan hệ song phương và quan hệ giữa hai nước với Trung Quốc; chỉ một cuộc gặp gỡ rất khó cải thiện ngay được quan hệ giữa hai nước. Donald Trump cũng biết rõ điều này; đó chính là nguyên nhân quan trọng vì sao ông nói không trông chờ vào kết quả của cuộc gặp mặt này. Thế nhưng, ý nghĩa của bản thân cuộc gặp này đã không bình thường; liệu qua cuộc gặp gỡ này quan hệ Mỹ - Nga có thay đổi được hay không thì còn phải chờ xem!