Sáng ngày 3/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Sơn Trà, Thanh Khê và Hải Châu (TP Đà Nẵng) nhằm báo cáo kết quả của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra.
Kiến nghị phòng chống tham nhũng cần mạnh hơn
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã ý kiến một loạt vấn đề về an ninh trật tự xã hội, thực trạng của loại hình dịch vụ cầm đồ, đòi nợ thuê, các chính sách đối với cán bộ, người có công... Đặc biệt, cử tri yêu cầu các đại biểu cần yêu cầu Bộ Giáo dục – Đào tạo làm rõ việc sử dụng số tiền hơn 16 triệu USD trong việc cải cách sách giáo khoa, việc thống nhất sử dụng sách giáo khoa trong cả nước để tránh lãng phí, phát sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến loai hình kinh doanh cầm đồ, cho vay nặng lãi đòi nợ thuê đang có diễn biến phức tạp, gây bất an cho xã hội.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) ý kiến: “Dịch vụ cầm đồ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê... diễn biến kiểu xã hội đen đang khiến xã hội bất an. Trong khi đó, công tác đấu tranh, trấn áp thì chính quyền địa phương gần như lép vế. Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội TP ý kiến, đề đạt để chấn chỉnh xử lý tình trạng này”.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng
|
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện công tác phòng chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Nhất là việc xử lý và thu hồi tài sản tại các vụ án tham nhũng để đem lại công bằng, niềm tin cho nhân dân.
Cử tri Nguyễn Quang Nga (trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê) ý kiến: “Qua theo dõi, tôi thấy rằng, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong vài năm trở lại đây, công tác phòng chống tham nhũng mạnh bằng cả lịch sử 89 năm ra đời của Đảng cộng lại. Tuy nhiên, theo tôi vẫn chưa thật sự quyết liệt, triệt để và chưa thật sự nghiêm minh, vẫn còn thiếu công bằng trong công tác phòng chống tham nhũng. Chúng ta nói đấu tranh chống tham nhũng là không có ngoại lệ nhưng người ta so sánh vụ án trộm cắp con gà, buồng chuối bị xử phạt 3-4 năm tù, nhưng quan chức tham nhũng cả ngàn tỷ nhưng bị xử phạt 4-5 năm tù là chưa thỏa đáng, cho thấy có sự "trên nhẹ dưới nặng" thì chúng ta đang có vùng cấm và ngoại lệ”.
Cũng theo cử tri Nguyễn Quang Nga, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó việc xử lý tài sản tham nhũng, tài sản bất minh cần thực hiện nghiêm minh, cần thu hồi lại những tài sản bất minh từ tham nhũng.
“Việc đơn thư ít hơn không phải là tốt hơn, không phải là dân không ý kiến mà dân không muốn nói nữa, nên vấn đề bây giờ phải làm sao để dân tin, muốn dân tin thì phải đảm bảo nghiêm minh. Xử lý các sai phạm không có vùng cấm, quan cũng như dân, có như vậy thì mới lấy lại được niềm tin của nhân dân” – cử tri Nguyễn Quang Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều cử tri yêu cầu đại biểu Quốc hội có ý kiến trong việc truy cứu trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm. Không thể chỉ xử lý trách nhiệm cấp dưới mà người đứng đầu lại vẫn yên vị như không có vấn đề gì. “Như vụ án liên quan đến Công ty BĐS Alibaba đã phá nát các tỉnh, đất nông nghiệp rao bán bất động sản dự án ma. Luyện và bộ sậu Công ty bị bắt rồi nhưng chưa thấy nói đến trách nhiệm lãnh đạo địa phương, chưa xử lý là chưa được” – cử tri Huỳnh Luyến (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) ý kiến.
Xử lý nhưng không làm đảo lộn cuộc sống nhân dân
Sau khi lắng nghe ý kiến của gần 20 cử tri tại buổi tiếp xúc, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng - đã trả lời ý kiến cử tri về các vấn đề cử tri quan tâm. Đối với vấn đề sách giáo khoa, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, theo Luật Giáo dục, việc sửa đổi bộ sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa thì các địa phương có quyền lựa chọn sách giáo khoa cho phù hợp với mức độ tiếp thu, phong tục tập quán.
Cử tri Nguyễn Quang Nga
|
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng mà cử tri Nguyễn Quang Nga đưa ra, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, Đà Nẵng đang khắc phục những sai phạm, tồn tại. “Đó là bài học xương máu. Tôi không phải thanh minh cho hệ thống nhưng mong các đồng chí chia sẻ cho TP những việc đang giải quyết phải lớp lang. Như phòng chống tham nhũng sẽ đi đến đâu, liệu phương thức này đã phù hợp chưa” – ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, công tác phòng chống tham nhũng muốn ngăn ngừa thì phải hoàn thiện về luật. “Phòng chống tham nhũng hiện nay có vị cử tri cho rằng chưa công bằng. Các đồng chí nói đúng nhưng giữa tội hình sự thì dễ, còn tội tham nhũng thì có chuyện nọ chuyện kia, trong cách xử, cách làm. Mất một vài tỉ dồng với ranh giới với tội tham nhũng với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả là cả câu chuyện. Một ông gây hậu quả nghiêm trọng vài chục ngàn tỉ nhưng khác với một ông tội tham nhũng 1 tỉ đồng. Thế thì chúng ta xử lý, khép tội thế nào thì đều có khung tội cả. Nhưng để làm sao cho công bằng là cả một quá trình. Việc đưa một cán bộ Bộ Chính trị vào tù vào tội vô trách nhiệm, tội tham nhũng đâu phải là phổ biến mà mới tính của chúng ta. Khởi tố thứ trưởng Bộ Công an và quân đội cũng mới đây chứ. Việc này chúng ta vẫn đang hoàn thiện” – ông Nghĩa chia sẻ.
Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng trả lời ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng với cử tri các quận Sơn Trà, Thanh Khê và Hải Châu (TP Đà Nẵng) diễn ra sáng 3/12
|
“Và quyết tâm chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư cũng như Bộ Chính trị là không có vùng cấm. Nói như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lò vẫn đang rất nóng. Từ nay đến tháng 1/2020 sẽ có rất nhiều sự kiện. Vừa qua đã bổ sung 2 dự án Nhật Cường và dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi… Nhưng có những việc chúng ta phải làm trình tự đất nước tiêp tục phát triển, cuộc sống người dân không bị đảo lộn, nhưng vi phạm phải được xử lý” - ông Nghĩa thông tin thêm.