Tại Hội nghị An toàn giao thông ngày 4/1, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận xét tuyến buýt BRT đầu tiên ở Hà Nội vừa đưa vào hoạt động đã có nhiều hiệu ứng tích cực. Dù vậy, loại hình giao thông công cộng mới còn nhận nhiều ý kiến trái chiều về việc phân luồng gây ùn tắc ở nhiều nơi.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu: "Việc xử lý nghiêm phương tiện lấn làn xe buýt nhanh phải làm kiên quyết như Hà Nội quyết tâm luân chuyển luồng tuyến xe khách. Có như thế ùn tắc và áp lực giao thông mới giảm được".
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tuyến buýt BRT đã nhận được sự đồng thuận của người dân và cho kết quả tốt. Năm 2017, thành phố sẽ thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, trong đó có việc tăng cường xử phạt các trường hợp phạm luật và ứng dụng hơn nữa khoa học công nghệ vào quản lý, dùng hình ảnh xử phạt nguội.
Trước đó, ngày 31/12/2016, Hà Nội chính thức khai trương tuyến xe buýt nhanh BRT từ Kim Mã đi Yên Nghĩa. Tuyến xe buýt BRT có chiều dài khoảng 14,7 km, tốc độ khoảng 19,6 km/h, chạy qua các tuyến đường từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa.
Theo phê duyệt, Hợp phần buýt nhanh (Yên Nghĩa – Kim Mã) có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Tổng dự toán cập nhật đến hiện tại hơn 41 triệu USD. Việc triển khai hợp phần buýt BRT được thực hiện đúng các thủ tục đấu thầu quốc tế và có sự phối hợp của Ngân hàng thế giới.
Đây là tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, hơn nữa trên tuyến đường có nhiều điểm, nút giao cắt. Trong những ngày đầu tiên hoạt động, mặc dù đã huy động lực lượng chức năng hỗ trợ phân làn, phân tuyến, hỗ trợ nhưng các phương tiện giao thông cùng tuyến thường xuyên lấn làn ưu tiên của buýt nhanh BRT khiến buýt BRT di chuyển khá vất vả.