Ngày 12/11, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các đối tác trong và ngoài nước, tổ chức sự kiện "Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2016" nhằm kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Techfest 2016 cũng là nơi để các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm, bài học sâu sắc về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.
Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những doanh nghiệp trẻ, vừa có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, nghiên cứu và phát triển được những công nghệ mới... Vì vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay còn gọi là startup là mô hình doanh nghiệp được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng phát triển như Hoa Kỳ, Ixaren, Phần Lan, Singapore...
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng khi có khoảng 1800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập.
Cụ thể, Lozi- Mạng xã hội về ẩm thực và mua bán đồ thời trang và điện tử, hiện có khoảng 400,000 người dùng và doanh thu cũng khoảng 50,000 USD một tháng; Beeketing- start-up với giải pháp marketing online cho các doanh nghiệp, vừa được Quỹ đầu tư 500 startups tại thung lũng Silicon, Hoa Kỳ lựa chọn đầu tư 150,000 USD và được định giá 2,5 triệu USD; hay VP9.VN- start-up dựa trên công trình nghiên cứu về nén video, giúp truyền hình ảnh độ nét cao trên đường truyền Internet công cộng được chính phủ các nước Phần Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản lựa chọn tài trợ để xúc tiến sử dụng thử nghiệm.
Đánh giá về tầm quan trọng của startup ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển rất lớn.
"Chúng ta có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực; có mạng lưới các nhà đầu tư đang tăng lên về mặt số lượng, các trường đại học, các tổ chức ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp với chất lượng ngày một nâng cao, hành lang pháp lý cơ bản hoàn chỉnh cho hoạt động khởi nghiệp, nhưng hoạt động của các cá nhân tổ chức này còn chưa có sự gắn kết trên quy mô rộng khắp để tạo ra tác động và ảnh hưởng lớn. Trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ thể hiện rõ quyết tâm phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đó không những với nhau mà còn tiếp cận để học hỏi kinh nghiệm từ cộng đồng khởi nghiệp quốc tế, đặc biệt thông qua các sự kiện dành cho khởi nghiệp như TechFest" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Còn theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường gắn với rủi ro, nhưng khi thành công sẽ có những giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh rất cao và có tính đột phá rất lớn. Vì vậy, nền kinh tế như Việt Nam nếu muốn tăng tốc phát triển thì đây đương nhiên là mũi nhọn nên tập trung phát triển.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đưa ra những điều mà các startup hiện nay đang rất quan tâm như: các cơ chế tài chính để thu hút vốn, vì vốn là cần nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp; tiếp đến là làm sao các thủ tục chứng nhận đầu tư để thành lập quỹ và thủ tục công nhận quỹ được thuận lợi hơn; hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thường liên quan đến CNTT và online nên rất muốn có môi trường kinh doanh thông thoáng; hay các thủ tục tra cứu, bảo hộ về sở hữu trí tuệ cần rất nhanh và thông thoáng để giúp doanh nghiệp biết rất nhanh những công nghệ nào đã được bảo hộ để khỏi mất công để tìm kiếm...