Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN Đinh Quang Tri thẳng thắn: “Danh hiệu này do Nhà nước và nhân dân đánh giá. Dù được ghi nhận hay không thì tập đoàn cũng sẽ luôn tiếp tục cố gắng phấn đấu, tiếp thu ý kiến”.
Ông Tri bày tỏ rằng, thành tích của ngành điện không chỉ 1, 2 năm mà đã trải qua 60 năm. Ngành điện phát triển như hiện nay là nhờ Chính phủ chỉ đạo, thành tích của EVN cũng là thành tích của Chính phủ, của nhân dân chứ không chỉ mình EVN.
“Mong mọi người có cái nhìn khách quan, công bằng hơn với ngành điện, không phải chỉ vì một vài trường hợp mà đánh giá cả ngành”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN Đinh Quang Tri bày tỏ.
"Nếu được Chính phủ khen thì EVN rất mừng còn nếu không đạt thì đấy cũng là điều bình thường, EVN sẽ tiếp tục cố gắng, phấn đấu", ông Tri nói.
Theo ông Tri, trong chặng đường phát triển, ngành điện đã có rất nhiều cố gắng. EVN được thành lập từ năm 1995, đến nay đã được 60 năm. Giai đoạn đầu, Việt Nam xếp hạng “bét” trong các nước ASEAN về công suất điện, thua cả Singapore và chỉ hơn Lào, Campuchia. Nhưng đến nay Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, đứng sau Thái Lan và Indonesia, vượt cả Malaysia và Singapore về tổng công suất hệ thống. Bên cạnh đó, nếu so sánh với giá điện của các nước trong khu vực thì giá điện của Việt Nam thấp nhất, thấp hơn nhiều Campuchia.
“Đó là sự cố gắng của ngành điện. Giá điện thấp nhưng tập đoàn vẫn đảm bảo kinh doanh, thu xếp vốn, vẫn đầu tư, tăng trưởng từ 12- 13%/năm. Còn một vài nhân viên chưa chuẩn, có sai sót thì sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Mong mọi người có cái nhìn khách quan, công bằng hơn với ngành điện, không phải chỉ vì một vài trường hợp mà đánh giá cả ngành”, ông Tri bày tỏ.
Trước thông tin EVN muốn tăng giá điện, ông Đinh Quang Tri khẳng định, từ nay đến cuối năm 2015, EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện vì điều chỉnh tỉ giá.
“Thực tế chúng tôi cũng chưa đề xuất xin tăng giá điện. Vừa qua, chỉ có tập đoàn TKV xin được bù lỗ tỷ giá vào giá điện, nhưng chỉ đề cập đến trong cuộc họp chứ chưa có đề nghị chính thức”, ông Tri giải thích.
Theo tập đoàn EVN, trong giai đoạn 2003- 2013, EVN đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sản lượng điện hàng hoá cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tăng từ 34,9 tỷ kWh năm 2003 lên mức 115,2 tỷ kWh năm 2013; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân hàng năm là 12,69%/năm, tăng gấp hơn 1,88 lần so với tăng trưởng GDP.
Trong 10 năm, Tập đoàn đã đầu tư và đưa vào vận hành 60 tổ máy thuộc 29 dự án nguồn điện mới với tổng công suất 10.416 MW. Với công suất 2.400 MW, công trình thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Tập đoàn đã tăng nguồn công suất phát điện và đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, và đứng thứ 31 trên thế giới về quy mô nguồn điện.
Đến cuối năm 2013, đã đạt được 99,08% số xã có điện lưới quốc gia, 97,85% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện (cả nước hiện chỉ còn 86 xã chưa có điện lưới, là các xã ở vùng sâu, địa hình hiểm trở chưa có đường giao thông và xã đảo).
Theo EVN, Tập đoàn cũng mạnh dạn trong đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ: xóa bỏ độc quyền, đa dạng hóa hình thức sở hữu, đầu tư và kinh doanh điện…
Trong năm 2014 và quý I năm 2015, Tập đoàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; phát triển mới hơn 1,187 triệu khách hàng, đưa tổng số khách hàng ký hợp đồng mua bán điện với điện lực đến cuối năm 2014 tăng lên trên 22,1 triệu khách hàng.
Năm 2014 hoàn thành vượt kế hoạch về giá trị khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện, tổng giá trị đầu tư ước đạt 125.453 tỷ đồng (tăng 27,91% so với năm 2013), bằng khoảng 10,26% tổng đầu tư toàn xã hội.
Theo Infonet