Những câu chuyện của EVN khiến dư luận giật mình…

Chỉ trong vài năm trở lại đây, hàng loạt động thái của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khiến dư luận không khỏi giật mình, thậm chí Thủ tướng Chính phủ cũng phải yêu cầu kiểm tra đơn vị này.
EVN đang nằm trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
EVN đang nằm trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

“Chúa chổm” EVN và câu chuyện đầu tư ngoài ngành

Tháng 9/2011, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đã có báo cáo nhiều trang liên quan đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Trong đó, nổi bật lên là EVN lỗ lũy kế tính đến 30/6/2011 là 31.500 tỷ đồng (trong đó riêng năm 2010 lỗ 23.600 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2011 lỗ 7.900 tỉ đồng). Dự kiến số lỗ của EVN năm 2011 là 11.669 tỷ đồng. Như vậy, lỗ lũy kế của EVN tính đến hết năm có thể lên tới trên 35.000 tỷ đồng. Ngoài khoản này, EVN vẫn còn nợ 11.000 tỷ đồng tiền mua điện, mua than, dầu, khí chưa trả nổi cho các tập đoàn dầu khí, than khoáng sản và số nợ này vẫn tăng lên theo tháng...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành với 2,8% vốn điều lệ, tương đương với 2.100 tỷ đồng. Đáng nói, hàng ngàn tỷ rót vốn vào các lĩnh vực tay trái này lại đẻ thêm cả ngàn tỷ đồng thua lỗ. Trên thực tế, ngoài khoản đầu tư vào Công ty tài chính CP điện lực - EVN Finance, EVN Telecom, EVN còn là cổ đông chiến lược của ABBank, Công ty CP Chứng khoán Hà Thành và hàng loạt công ty bất động sản liên kết khác như bất động sản điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung…

Tai tiếng hơn cả là vụ đầu tư thua lỗ khổng lồ vào EVN Telecom. Năm 2009 lợi nhuận EVN Telecom bằng không (thực chất là lỗ, nhưng đã được chuyển lỗ sang các công ty điện lực thuộc EVN). Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng và lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.

Tháng 10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương ban hành và công bố công khai khung giá mua bán điện áp dụng cho từng loại hình phát điện (thủy điện, nhiệt điện). Đồng thời, Bộ này cần kiểm tra việc thực hiện giá bán điện theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện phương án giá điện và đánh giá việc đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư vào EVN Telecom của EVN.

Hàng loạt sai phạm được kết luận…

Tháng 1/2014, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN. Kết luận này được đưa ra trên cơ sở tiếp thu bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kết luận xử lý những nội dung thanh tra tại EVN ban hành tháng 12/2013.

Cụ thể, nội dung gây nhiều bức xúc dư luận nhất trong thời gian qua là kết luận việc EVN đưa chi phí xây biệt thự, bể bơi, sân tennis… cho cán bộ nhân viên vào chi phí tính giá thành bán điện vẫn được giữ nguyên. Thanh tra Chính phủ đánh giá việc Bộ Công Thương phê duyệt chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” của EVN nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có các cơ sở hạ tầng như bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện là chưa đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” này của ngành điện, có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2014.

Về việc lãnh đạo EVN nhận lương “khủng” và EVN chi tiền mua ô tô công sai quy định, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của EVN trong năm 2010 ở mức trên 3 tỷ đồng chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, đề xuất xử lý số tiền hơn 8 tỷ đồng, gồm hơn 3 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc EVN năm 2010 chưa đúng, hơn 5 tỷ đồng do mua xe ô tô vượt định mức quy định tại EVN.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định việc EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp hơn 121.790 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ hơn 76.000 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc giá điện phải “cõng” cả chi phí xây biệt thự, nhà khách… của Tập đoàn Điện lực, trong báo cáo của Bộ Công Thương về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại EVN, Bộ Công Thương cho biết đã cùng Bộ Tài chính lập phương án xử lý. Theo đó, Bộ Công thương công nhận chỉ một phần chi phí xây biệt thự, bể bơi, sân tennis… được tính vào giá điện.

Theo Bộ Công thương, khoản đầu tư trên của EVN đã được xử lý theo ba hướng:

Cụ thể, thứ nhất, với chi phí khấu hao các nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành, nhà sửa chữa điện và nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện, Bộ Công thương khẳng định EVN sẽ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc chi phí trên sẽ được tính vào giá điện.

Thứ hai, Bộ Công thương cho biết với các nhà đơn lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng và công trình nhà ở khác mà EVN cho các hộ gia đình cán bộ nhân viên tại các thủy điện thuê… thì không được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh  điện. EVN sẽ phải xác định giá cho thuê theo đúng nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí để thu hồi vốn đầu tư và các chi phí quản lý, bảo dưỡng công trình này.

Thứ ba, với chi phí đầu tư các công trình phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… EVN phải sử dụng quỹ phúc lợi hoặc “nguồn tài trợ khác” để đầu tư xây dựng. Nếu đã dùng nguồn vốn khác thì phải điều chỉnh lại. “EVN và các đơn vị thành viên không được tính chi phí khấu hao tài sản này vào chi phí sản xuất kinh doanh điện” - Bộ Công thương cho biết.

EVN đòi bù lỗ 1.200 tỷ vào giá điện

Tháng 3/2015, giá điện đã tăng 7,5% để bù lỗ do chi phí đầu vào tăng chưa khiến dư luận nguôi ngoai thì tại cuộc họp giao ban của Bộ Công thương vào ngày 3/9, các ông lớn là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đều kêu chênh lệch tỷ giá đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn này và xin Bộ Công thương được phân bổ khoản lỗ 1.200 tỷ đồng vào giá thành điện.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, riêng khâu sản xuất điện, chênh lệch tỷ giá tính đến nay đã khiến TKV lỗ khoảng 1.200 tỉ đồng. Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết hiện PVN phải vay lượng lớn ngoại tệ để thực hiện các dự án lớn, việc điều chỉnh tỷ giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Còn theo ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN, chênh lệch tỉ giá đã ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực điện. Nếu cộng các con số mà TKV và PVN đưa ra thì khả năng mức lỗ của EVN có thể gấp hơn chục lần con số 1.200 tỷ do TKV thống kê.

Việc tỷ giá biến động mà EVN lại muốn bù lỗ vào giá điện khiến dư luận vô cùng bức xúc, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng phản đối khi cái gì EVN cũng đòi “đổ” hết lên đầu dân.

Dù chưa hết chuyện, nhưng chừng đó vấn đề thôi cũng khiến dư luận băn khoăn, thắc mắc đặt câu hỏi: Vì sao EVN lại được "lọt" vào danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương?

Theo Infonet