Phó Giám đốc Sở xây nhà sai phép: Không thể chỉ phạt như dân thường!

 Như VnMedia đã đưa tin, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra Quyết định xử phạt hành vi vi phạm công trình xây dựng sai phép tại tòa nhà A3, Khu tập thể số 8 Lý Nam Đế (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đứng tên ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội. 
Ngôi nhà xây sai phép của Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội vượt lên cao hơn hẳn các ngôi nhà xung quanh
Ngôi nhà xây sai phép của Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội vượt lên cao hơn hẳn các ngôi nhà xung quanh

Khi trao đổi về việc này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) bức xúc cho rằng, cần phải sửa đổi một số quy định về việc cán bộ công chức vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Hoàng Linh bị xử phạt 15 triệu đồng và bị buộc phải cắt ngọn 3 tầng nhà xây sai so với giấy phép. Đây là một việc làm chứng tỏ sự nghiêm minh của luật pháp, mà cụ thể là chính quyền quận Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, một câu hỏi được dư luận đặt ra là, một ngôi nhà lớn như vậy, nằm ngay ở trung tâm quận Hoàn Kiếm mà lại để xảy ra vi phạm nghiêm trọng khiến cho việc xử lý rất phức tạp, tốn kém. Lẽ nào cơ quan chức năng lại khó phát hiện đến như vậy?

Ngoài ra, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến vụ việc bởi ông Nguyễn Hoàng Linh đang là một vị Phó Giám đốc Sở, là người nắm rất rõ các quy định của pháp luật cũng như những việc mà một công chức nhà nước không được phép vi phạm. Tuy nhiên, ông Linh đã ngang nhiên xây dựng công trình vi phạm nói trên. Phải chăng, đằng sau ông Linh có sự bao che, đồng lõa? Và, là cán bộ lãnh đạo một Sở, ông Linh sẽ phải bị xử lý kỷ luật như thế nào?

VnMedia đã có cuộc trao đổi nhanh với đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh, đại biểu đoàn Hải Phòng về vấn đề này.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh nói:

“Theo tôi, xử phạt như thế nào phải căn cứ vào luật. Ông ấy là một Phó Giám đốc Sở, nhưng cũng là một người dân nên khi vi phạm vẫn phải xử theo đúng quy định của pháp luật.

Tôi cũng quan tâm đến việc tại sao ông ấy lại xây được như thế? Chắc các cơ quan quản lý cũng lờ đi để cho ông ấy xây? Rồi phải xem lại giấy phép xem ông ấy có được xây như thế không? Nhưng chắc là không, nên sau khi xảy ra thì mới phạt hành chính và bắt tháo dỡ các tầng không theo thiết kế. Việc đó là phải đánh giá công bằng, dù là công chức hay người dân, khi vi phạm pháp luật phải xử theo pháp luật.

Còn về mặt cơ quan quản lý, là một cán bộ lãnh đạo, đã nhận thức đầy đủ nhưng cố tình vi phạm thì ngoài việc xử phạt, đơn vị quản lý cũng phải có những hình thức nhất định đối với cán bộ công chức viên chức của mình căn cứ theo luật Công chức viên chức được làm những việc gì.

Theo tôi, ngoài xử phạt chung, còn có các quy định của Đảng về những việc Đảng viên không được làm. Hai nữa là chế tài phải nặng hơn để đảm bảo răn đe và đảm bảo cho cán bộ phải gương mẫu. Có lẽ phải sửa đổi một số quy định về việc cán bộ công chức vi phạm pháp luật”.

Trước đó, theo thông tin đăng trên Vietnamnet, ông Linh khẳng định, dù đứng tên trong sổ đỏ khu đất này nhưng ông “không liên quan” vì tất cả đã được ông ủy quyền cho vợ và người nhà.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Tâm (Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm) cho biết, theo như quy định, phố Lý Nam Đế chỉ có thể xây nhà 6 tầng và một tum (tối đa 7 tầng). Cũng theo bà Tâm, không có chuyện phường Hàng Mã làm ngơ để chủ nhà tự ý xây dựng vượt quá chiều cao cho phép, nhưng “có thể chúng tôi chưa giám sát chặt chẽ nên mới xảy ra sai phạm".

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý đô thị Hà Nội, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/10,  Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, Thủ tướng đã kết luận xử lý các sai phạm vụ tòa nhà số 8B Lê Trực, Hà Nội và sẽ thông báo công khai.

Trước đó, Thủ tướng đã có 1 buổi họp với UBND TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng. Hướng xử lý được Thủ tướng thống nhất là yêu cầu đình chỉ ngay các hoạt động xây dựng và chủ đầu tư phải có phương án khắc phục sai phạm của mình. UBND Hà Nội theo dõi chặt chẽ, trong đó chú ý khắc phục theo giấy phép đã cấp, chú ý an toàn kiến trúc, an ninh…

Cùng ngày hôm qua (29/10), Báo điện tử VOV đã đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Theo ông Nguyễn Hữu Oanh, trong cả 3 lĩnh vực, quản lý về quy hoạch, xây dựng, môi trường ở Thủ đô đều yếu kém.

Không có thủ đô nào ngay trong trung tâm hành chính quốc gia xây xong 25 tầng mà người đứng đầu mới biết, mới yêu cầu các cấp kiểm tra. Sau đó mới tính toán việc cắt tầng. Đây không phải là lần đầu tiên trường hợp này xảy ra ở Thủ đô, mà trước đó là tòa nhà ở Đào Duy Anh cũng bị cắt ngọn. Trong 5 năm tới, phát triển đô thị không chỉ quan tâm đến đô thị vùng biển, vùng hải đảo mà quan tâm đến chính Thủ đô Hà Nội, cho xứng tầm với một đất nước Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa” - ông Oanh nói.

Theo VnMedia