Phó GĐ điều hành Facebook Andrew Bosworth: “Facebook chỉ muốn lôi kéo người dùng, không quan tâm tới hậu quả“

VietTimes -- Khủng hoảng tiếp tục bủa vây Facebook. Nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới vừa qua đã bị hàng loạt nhân viên trong đó có Phó giám đốc phần cứng Andrew Bosworth tố cáo rằng ban lãnh đạo công ty chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không nghĩ tới quyền lợi của người dùng.
Mục tiêu của Facebook là lôi kéo càng nhiều người kết nối càng tốt
Mục tiêu của Facebook là lôi kéo càng nhiều người kết nối càng tốt

Văn bản "The Ugly"

Theo Buzzfeed News, nội bộ của Facebook đang dậy sóng dữ dội. Một văn bản có tên “The Ugly” được gửi đi CEO "đáng tin cậy" Mark Zuckerberg vào tháng 6/2016 ngay sau vụ một người đàn ông tử vong khi đang stream trực tiếp trên Facebook. Nội dung yêu cầu che đậy những vụ bắt nạt và bạo lực để không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty.

Ngày 29/3, Phó giám đốc điều hành Andrew “Boz” Bosworth phơi bày nội dung của “The Ugly” trên Twitter cá nhân. Ông Bosworth cho biết là kết nối càng nhiều người dùng càng tốt, bất chấp những hậu quả “xấu xí” có thể đem lại. Ông đã gửi cảnh báo tới ban lãnh đạo Facebook ngày 18/6/2016:

“Đây là lý do công ty luôn tăng trưởng. Tất cả nghi vấn gần đây liên quan tới tiêu chí hoạt động này. Tất cả những điều chúng ta làm để mọi người đồng bộ danh bạ, tất cả những lời quảng cáo rằng có thể tìm kiếm bạn bè dễ dàng để mọi người không ngừng kết nối nền tảng Facebook. Thứ mà chúng ta sẽ thực hiện tại Trung Quốc trong tương lai.

Chúng ta muốn kết nối mọi người.

Nhưng những sự cố trên Facebook khá tiêu cực. Nó có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của một người nếu công khai vụ bắt nạt. Hoặc kẻ xấu sẽ sử dụng nền tảng Facebook cho mục đích truyền thông khủng bố.

Và chúng ta vẫn kết nối mọi người.

Sự thật xấu xí là nền tảng của chúng ta khiến mọi người chìm đắm quá mức khiến chúng ta chỉ chú ý lôi kéo họ kết nối. Đó có lẽ là sự thật rất đáng quan ngại”.

Sau đó, bài đăng gốc của ông Bosworth trên Twitter đã bị xóa. Trang The Verge đã kịp chụp lại. Ông Bosworth viết như sau: “Tôi đã làm việc hiệu quả và bị mọi người trong công ty gọi là gã bù nhìn. Bài viết của tôi chắc chắc sẽ gây ra một làn sóng phản ứng nhưng cũng mở ra cuộc tranh luận luận về cách thức công ty vận hành khi cộng đồng trực tuyến đang dần thay đổi”.

Ông Bosworth đã cho rằng “The Ugly” gần giống với mục tiêu hoạt động của Uber. Nó là nguyên nhân gây ra vụ rò rỉ dữ liệu của 57 triệu khách hàng và tài xế Uber vào năm 2017. Ông cho biết đang cố gắng tổ chức một cuộc thảo luận trong nội bộ Facebook. Trả lời trang BuzzFeed News, CEO Mark Zuckerberg biện minh rằng chưa hề tán thành với “The Ugly” và không cố ý che đậy vụ người dùng tử vong khi sử dụng Facebook vào năm 2016. Ông Zuckerberg cho biết thêm: “Chúng tôi hiểu kết nối mọi người là chưa đủ mà còn cần phải đem mọi người tới gần nhau hơn”.

Không bàn đến ban lãnh đạo Facebook có đồng tình với nội dung của The Ugly hay không. Nhưng rõ ràng Facebook đã nhận ra rủi ro trên các nền tảng của công ty và chưa hề có biện pháp bảo vệ người dùng đúng mức.

Facebook nói gì?
Ông Andrew Bosworth và CEO của Facebook, Mark Zuckerberg. Nguồn: BI

Sau khi “The Ugly” công khai trên các phương tiện truyền thông, ông Zuckerberg nhắc khéo ông Bosworth: “Boz là một nhà lãnh đạo tài năng và cũng là người hay đưa ra các vấn đề gây tranh cãi. The Ugly không có sự chấp thuận của tôi và đa số nhân viên Facebook”.

Ông Bosworth thì giải thích: “Mục đích lời cảnh báo ngày 18/6/2016 giống như nhiều chủ đề khác tôi đã đề xuất trong nội bộ. Đó là những vấn đề tôi muốn thảo luận nhiều hơn khi quy mô của Facebook ngày lớn”. Theo ông Bosworth, những cuộc tranh luận sẽ giúp định hình chính sách tốt hơn cho Facebook.

Là người trực tính, ông Bosworth thẳng thắn trong những phát biểu của mình. The Ugly và bài đăng của ông Bosworth trên Twitter ngày 29/3 sẽ làm leo thang khủng hoảng niềm tin từ phía người dùng, đặc biệt khi Facebook còn đang chưa dứt ra khỏi rắc rối với các nhà chức trách tại Mỹ và Anh về bê bối rò rỉ dữ liệu trên 50 triệu tài khoản qua một ứng dụng tưởng chừng vô hại. Ông Alec Muffet, cựu chuyên gia an ninh Facebook cho rằng ban lãnh đạo luôn bị ám ảnh bởi sự tăng trưởng của công ty. Ông thừa nhận lý do ông thôi việc là do Facebook xây dựng chính sách kiểm duyệt dữ liệu của người dùng tại Trung Quốc.

Việc nhiều nhân vật cấp cao, bao gồm Phó giám đốc mảng phần cứng Bosworth đã lên tiếng cảnh báo chính sách phát triển của Facebook khiến nhiều người không khỏi hoài nghi: Phải chăng người dùng chỉ được coi là dữ liệu để công ty công nghệ kinh doanh? Nếu những nhà quản lý nền tảng công nghệ nhận thức được mối hiểm họa nhưng lại quan tâm nhiều hơn đến lợi ích thì chẳng có gì đảm bảo cho sự an toàn dữ liệu của người dùng.