Phí tăng, trạm mọc thêm

Tình trạng này không chỉ diễn ra trên các tuyến quốc lộ mà cả các tuyến đường liên tỉnh, các phương tiện cũng phải oằn mình gánh phí ngày một tăng.
Phí tăng, trạm mọc thêm

Trên lý thuyết, sau khi triển khai thu phí bảo trì đường bộ thì sẽ giảm bớt các trạm thu phí, nhưng trên thực tế tại các tỉnh Đông Nam bộ, không những trạm thu phí không giảm mà rất nhiều trạm mới mọc lên, và hàng loạt trạm thu phí cũ lại liên tục tăng mức phí.

Liên tục tăng phí

Ông Phạm Thành Nam, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai, cho biết Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định mức thu phí mới đối với trạm thu phí số 2 trên quốc lộ 14 (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước).

Việc thu phí này là nhằm hoàn vốn dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - cầu 38. Dù dự án này dự kiến tới tháng 6-2015 mới hoàn thành, nhưng chủ đầu tư đã được cho thu phí từ trước đó.

Theo thông tư của Bộ Tài chính, từ 1-1-2016, mức thu phí trạm số 2 trên quốc lộ 14 sẽ tăng tới 40%. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả xe đò, xe tải, xe container lưu thông từ các tỉnh Tây nguyên về qua Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM và ngược lại sẽ phải gánh thêm một khoản phí không nhỏ.

Nếu như trước đây xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt chỉ chịu mức phí 25.000 đồng/lượt, từ năm 2016 sẽ là 35.000 đồng/lượt. Một xe container chở hàng loại 40 feet trước đây mỗi lần qua trạm phải đóng 160.000 đồng thì sắp tới sẽ lên 200.000 đồng/lượt.

“Lợi nhuận không được bao nhiêu nhưng mỗi đầu xe hằng tháng sẽ phải trả thêm hàng triệu tiền phí. Để chở một lô hàng từ Đắk Lắk về TP.HCM, chúng tôi phải ít nhất năm lần đóng tiền cho trạm thu phí: một trạm thu phí trên quốc lộ 14, hai trạm thu phí trên đường ĐT741 (Bình Dương, Bình Phước mỗi tỉnh có một trạm), hai trạm thu phí trên quốc lộ 13 ở Bình Dương. Tiền phí đẩy giá thành lên cao nên chúng tôi rất khó cạnh tranh” - chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Bình Dương phân tích.

Theo tìm hiểu, không chỉ những tuyến đường mới tăng phí mà nhiều tuyến đường cũ, chất lượng kém cũng tăng phí. Cụ thể, trạm thu phí quốc lộ 13 của dự án Chơn Thành - Bình Long vừa tăng 100% mức phí, dù tuyến đường này xuống cấp, không đảm bảo chất lượng nên chưa được nghiệm thu.

Trạm thu phí đường ĐT741 tại Bình Phước được HĐND tỉnh này cho tăng phí từ đầu năm 2015, cao hơn mức thu trên cùng tuyến đường này tại Bình Dương nhưng chất lượng đường kém hơn ở Bình Dương.

Trên quốc lộ 13, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đồng ý cho đặt thêm một trạm thu phí tại xã Thanh Phú (thị xã Bình Long) để thu phí hoàn vốn cho dự án BOT quốc lộ 13 An Lộc - Chiu Riu.

Sau khi dự án này hoàn thành, chủ đầu tư còn có thể được đặt thêm một trạm thu phí nữa tại cuối dự án. Như vậy, trong vòng chưa đầy 70km của quốc lộ 13 tại Bình Phước sẽ có ít nhất ba trạm thu phí.

Ngao ngán với trạm thu phí

Tại Đồng Nai, các tài xế đều tỏ ra ngán ngẩm với tình trạng trạm thu phí đang mọc lên dày đặc. Nhiều tài xế chở hàng đi từ Khu công nghiệp Dĩ An về Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết phải tốn gần 200.000 đồng để qua bốn trạm thu phí gồm trạm thu phí ngã tư Bình Thung, trạm thu phí Bình Thắng (đều thuộc thị xã Dĩ An), trạm thu phí cầu Đồng Nai và trạm thu phí T1 (quốc lộ 51), trong khi lộ trình chưa đầy 30km.

Nói đến các trạm thu phí mọc lên gần đây ở quốc lộ 1, ông Nguyễn Xuân Thiện - chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ Thống Nhất (Đồng Nai) - cho biết tuyến xe buýt 602 có lộ trình từ xã Phú Túc (huyện Định Quán, Đồng Nai) về Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có hai trạm thu phí ở huyện Trảng Bom và trạm thu phí cầu Đồng Nai, tổng mức thu 3 triệu đồng/tháng.

Theo ông Thiện, hợp tác xã có 10 xe, nếu tăng giá vé xe buýt (23.000 đồng vé / toàn tuyến) thì cạnh tranh không lại với xe khác. “Cũng kêu, phản ứng về khoảng cách đặt trạm giữa hai trạm thu phí nhưng chưa ai giải quyết” - ông Thiện cho biết. 

Còn ông Dũng - một chủ xe ở TP.HCM có trên 100 chiếc - nói: “Hiện cạnh tranh giá gay gắt nhưng trạm thu phí ngày mọc lên càng nhiều, khiến doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn. Không tăng giá cước vận tải thì lợi nhuận giảm, còn tăng giá cước thì chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ”.

Ông Dũng cho hay ngoài các khoản “hụi chết” cho mỗi xe như tiền mua bảo hiểm dân sự, hàng hóa, thân xe, phí đăng kiểm, bãi xe và kể cả tiêu cực phí thì mỗi năm ông đóng phí bảo trì đường bộ cho mỗi xe bốn trục (tổng trọng tải 28 tấn) gần 13 triệu đồng.

Theo giám đốc Công ty cổ phần Phương Trinh Vũ Quang Thanh, doanh nghiệp đầu tư nhiều tuyến buýt chạy tuyến Bình Dương - TP.HCM, trạm thu phí là một “nỗi ám ảnh” đối với nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng.

“Đã nhiều năm nay, chúng tôi kiến nghị HĐND tỉnh Bình Dương cho xe buýt đóng vé tháng khi đi qua trạm thu phí trên quốc lộ 13 nhưng không được chấp nhận. Đặc thù của loại hình vận tải hành khách công cộng là đi lại rất nhiều lượt.

Tính trung bình một ngày mỗi xe buýt của chúng tôi phải qua trạm tới 10 lượt, giá mỗi lượt là 15.000 đồng thì mỗi ngày đã mất 150.000 đồng / xe buýt. Với một doanh nghiệp có khoảng 40 đầu xe, riêng tiền phí đã lên tới hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, nhưng chỉ kiến nghị đóng phí tháng để giảm gánh nặng cũng không được” - ông Thanh phàn nàn.


Nhiều hợp tác xã xe buýt cho biết theo quy định của Bộ Tài chính, mức giá áp dụng cho các xe buýt qua các trạm ở quốc lộ 51 là 600.000 đồng / tháng.
Bị thu phí vượt giá

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài nhiều xe buýt qua trạm T1 (xã Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) và trạm T3 (km56+450 thuộc tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu) bị thu với mức giá 900.000 đồng / tháng và 1,32 triệu đồng / tháng.

Theo Hợp tác xã dịch vụ Thống Nhất (Đồng Nai), khi có khiếu nại của các hợp tác xã, Tổng cục Đường bộ đã dẫn thông tư 134/2012/TT-BTC và thông tư 87/2014 của Bộ Tài chính quy định mức thu phí xe buýt là 600.000 đồng / tháng, yêu cầu Công ty BVEC rà soát hồ sơ, hoàn trả phần phí đã thu vượt cho hợp tác xã nhưng đến nay BVEC vẫn chưa chịu trả.

Ông Trần Phước Anh - tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải Sonadezi - xác nhận: “Trước đó xe buýt của công ty qua trạm T1 bị thu với mức giá 1,32 triệu đồng / tháng. Công ty nêu lên những thắc mắc và dẫn ra các quy định thì đến đầu năm 2015 họ mới thu đúng quy định là 600.000 đồng / tháng.

Qua kiểm tra, BVEC đã thu sai quy định với công ty là 162 triệu đồng. Hiện công ty cũng đang tập hợp các giấy tờ liên quan để yêu cầu hoàn trả tiền phí đã thu vượt nhưng khi tới BVEC thì chỉ gặp nhân viên”.

Đi vài trăm mét cũng trả phí

Sau vụ nhùng nhằng của trạm thu phí Định Quán đặt ở quốc lộ 20, gần cuối năm 2013 Bộ Giao thông vận tải cho dời trạm về km74+760 quốc lộ 20 (thuộc xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai). Nhưng khi trạm đặt ở đây, Hợp tác xã dịch vụ Tân Phú lại rơi vào cảnh dở khóc dở cười.

Ông Nguyễn Đức Học - chủ nhiệm hợp tác xã - cho biết: “Theo lộ trình, xe buýt phải qua trạm về bến xe Phương Lâm khoảng 240m. Vì vậy, khi xe buýt tuyến 16 vào bến thì trạm buộc phải mua vé. Nhiều cuộc họp, huyện Tân Phú vào kiến nghị giải quyết nhưng bộ có văn bản trả lời không có quyền miễn giảm. Kêu cứu rồi nhưng họ không chịu giải quyết thì biết kêu ai nữa bây giờ” - ông Học tâm sự.

Tương tự, tài xế Hoàng Xuân Thủy (ngụ thị xã Long Khánh), hợp đồng chở công nhân cho một công ty sản xuất giày da đặt ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), cũng lắc đầu chán nản khi nhắc đến trạm thu phí.

Ông Thủy cho hay mỗi ngày ông lái xe 50 chỗ đưa công nhân từ huyện Thống Nhất (thị xã Long Khánh) về Khu công nghiệp Bàu Xéo, nên phải qua trạm thu phí Trảng Bom để cho xe vào khu công nghiệp, đoạn đường xe đi qua chỉ vài trăm mét nhưng tốn tiền vé đi về khoảng 2,4 triệu đồng / tháng.

Theo ông Thủy, rất nhiều tài xế chở công nhân cũng rơi vào tình cảnh như ông, họ có thắc mắc mà chẳng ai đứng ra giải quyết.

Sau khi có trạm thu phí đặt ở huyện Trảng Bom, có xe không đi trên tuyến tránh quốc lộ 1 - TP Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp) nhưng phải trả phí.

Giải thích việc này, ông Nguyễn Xuân Quang - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (chủ đầu tư) - cho biết: “Công ty đã đầu tư 13km tuyến tránh và được Bộ Giao thông vận tải cho phép làm một đoạn 11km trong dự án mở rộng quốc lộ 1 nên mới lập trạm thu phí để hoàn vốn. Chúng tôi được phép mới dám thu”.

Đó là những trạm thu phí ngoài quốc lộ. Còn vào trung tâm TP Biên Hòa thì đi hướng nào cũng gặp trạm thu phí ở tỉnh lộ 16 (đường Bùi Hữu Nghĩa thuộc P.Tân Vạn, Hóa An) và trạm thu phí trên đường Đồng Khởi.

Nhiều tài xế nói đùa nhưng rất thật: “Nếu đã trả phí ở ngoài quốc lộ, chạy vào TP Biên Hòa hay thị xã Dĩ An (Bình Dương), tài xế sẽ luôn luôn được trạm thu phí đua nhau chào đón”.

Quốc lộ 14: trạm thu phí liên tục mọc lên

Nhiều người cho rằng quốc lộ 14 đang dần trở thành “con đường thu phí” khi các trạm thu phí liên tục mọc lên.

Chiều 25-5, hàng chục công nhân đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng tại công trình trạm thu phí Đắk Ghềnh (xã Đắk Ghềnh, Đắk Mil, Đắk Nông). Trạm thu phí này thuộc dự án BOT do liên danh Tập đoàn Toàn Mỹ - Băng Dương (TP.HCM) làm chủ đầu tư, có chiều dài 30km. Vốn đầu tư dự án khoảng 1.000 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Phi, quản lý công trường của Tập đoàn Toàn Mỹ - Băng Dương, cho biết đầu tháng 6-2015, trạm thu phí Đắk Ghềnh sẽ chính thức thu phí.

Hiện các công đoạn cuối cùng của trạm đang được hoàn thiện để kịp tiến độ. “Việc người dân phản ảnh trạm thu phí quá gần nhau thì vượt tầm của đơn vị, đặt trạm thu phí ở đâu đều phải có quyết định của Bộ GTVT” - ông Phi nói.

Cách trạm thu phí Đắk Ghềnh hơn 50km, Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng đang xây dựng một trạm thu phí đoạn cầu 20 (xã Trường Xuân, Đắk Song, Đắk Nông). Ngoài ra, còn có một trạm thu phí khác đang được xây dựng tại đoạn ngã ba Cây Chanh (xã Đắk Ru, Đắk R’Lấp, Đắk Nông) - điểm cuối dự án BOT của tập đoàn này.

Ông Võ Văn Hùm - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông - thừa nhận chỉ tính riêng đoạn quốc lộ 14 đi qua tỉnh mà có tới ba trạm thu phí là có phần bất hợp lý.

Trong đó, trạm thu phí Đắk Ghềnh (Toàn Mỹ - Băng Dương) cách trạm thu phí cầu 20 (Đức Long Gia Lai) chưa đến 60km. “Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí ở đâu, bao nhiêu trạm là do chủ đầu tư thỏa thuận với Bộ GTVT, sở không thể can thiệp” - ông Hùm giãi bày.

Một lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)cho biết đơn vị đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng xem xét, bố trí nguồn vốn để mua lại một số dự án BOT trên quốc lộ 14 qua Tây nguyên nhằm giảm bớt các trạm thu phí. Quốc lộ 14 qua Tây nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có chiều dài khoảng 500km.

Đầu năm 2016, khi tuyến đường này hoàn thành sẽ có năm trạm thu phí với mức thu cao hơn bình thường từ 2 - 2,5 lần. Nếu tính năm trạm thu phí đã khai thác (từ TP.HCM về Bình Phước) thì tuyến đường Tây nguyên - TP.HCM có đến 10 trạm thu phí.

Theo: Tuổi Trẻ