Phí duy trì hoạt động của chữ ký số chỉ 7.800 đồng/tháng?

VietTimes -- Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số phải nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là 7.800 đồng/chữ ký/tháng.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, đến nay đã có 9 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (ảnh minh họạ)
Theo số liệu của Bộ TT&TT, đến nay đã có 9 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (ảnh minh họạ)

Theo dự thảo, Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quy định tại Nghị định số 26 ngày 15/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia và các tổ chức cá nhân liên quan.

Người nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là các doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định của pháp luật. Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia trực thuộc Bộ TT&TT là cơ quan thực hiện thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số theo quy định tại Thông tư này.

Cũng theo dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số đối với các doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số là 7.800 đồng/chữ ký/tháng.

Theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ TT&TT cho hay, tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 700.000 chữ ký số công cộng đang hoạt động, chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực kê khai thuế qua mạng, bảo hiểm xã hội và hải quan điện tử.

Định kỳ hàng tháng, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nộp phí vào Tài khoản chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước của tổ chức thu phí. Chứng thư số phát sinh hiệu lực hoạt động tại bất cứ thời điểm nào của tháng được tính là 1 (một) tháng sử dụng. Thời gian nộp phí chậm nhất là ngày thứ 5 của tháng tiếp theo.

Đồng thời, tổ chức thu phí thực hiện kê khai phí theo tháng, quyết toán phí theo năm theo quy định tại khoản 3 Điều 19 và nộp phí theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 156 ngày 6/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định 83 ngày 22/7/2013 của Chính phủ.

Về quản lý và sử dụng phí, dự thảo Thông tư quy định, cơ quan thu phí được để lại 80% số phí thu được để trang trải chi phí phục vụ công tác thu phí theo quy định tại Nghị định 120 ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí. Số còn lại (20%), cơ quan thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.