Phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam: Cần sự hợp tác liên ngành, liên quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc chia sẻ dữ liệu cần thực hiện hài hòa, phù hợp với dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin mạng và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân.
Dữ liệu mở là ‘trái tim’ của nền kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội.
Dữ liệu mở là ‘trái tim’ của nền kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội.

Đây là một trong những thông tin được nhiều chuyên gia tại Hội nghị Dữ liệu mở châu Á (AODP) 2021 – vừa được tổ chức trực tuyến hôm nay (16/11).

Hội nghị được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, chủ trì bởi Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tổ chức Đối tác Dữ liệu mở châu Á (AODP), Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C), và tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức truyền thông số (CRC) và Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của dữ liệu và dữ liệu mở. Gần đây nhất, Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rất rõ dữ liệu là một loại tài nguyên mới, cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Trên bình diện quốc gia, phát triển dữ liệu mở cần có sự hợp tác liên ngành. Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò điều phối chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đã và đang xây dựng lộ trình, thiết lập các quy chuẩn, tiêu chuẩn dữ liệu bảo đảm dữ liệu của các bộ, ngành, chính quyền từ Trung ương đến địa phương được phân loại và chia sẻ một cách thông suốt, khoa học, đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Trên bình diện quốc tế, phát triển dữ liệu mở cũng cần có sự hợp tác liên quốc gia, bởi lẽ kinh tế số là vấn đề toàn cầu. Và nếu coi dữ liệu là mạch máu của nền kinh tế số toàn cầu thì mạch máu dữ liệu này cần được thiết lập dựa trên các khung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, dữ liệu là một nguồn tài nguyên đặc biệt được sinh ra trong quá trình con người sử dụng công nghệ. Không như tài nguyên trong tự nhiên, tài nguyên dữ liệu càng dùng nhiều càng sinh ra nhiều, càng dùng nhiều càng tạo ra giá trị lớn, càng chia sẻ càng có sự cộng hưởng.

Phần chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại hội nghị

Đương nhiên, “việc chia sẻ dữ liệu cần thực hiện một cách phù hợp, đảm bảo hài hòa dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin mạng và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, phù hợp với quy định của pháp luật mỗi quốc gia. Chỉ có như vậy, những chiến lược dữ liệu, những tiêu chuẩn dữ liệu mới thực sự đi vào cuộc sống và dữ liệu mới phục vụ tạo ra giá trị mới cho người dân và cho doanh nghiệp. Thông qua việc hợp tác khu vực, chúng ta có thể hướng tới xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở toàn diện, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu” – đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nêu định hướng.

Năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị đối tác dữ liệu mẫu châu Á. Đây là cơ hội rất lớn để các cơ quan quản lý các chuyên gia học giả và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như quốc tế cũng chia sẻ thảo luận cập nhật những xu hướng kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng dữ liệu mở.

“Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng cộng đồng công nghệ cộng đồng dữ liệu mở trong và ngoài nước để cùng thiết lập tiêu chuẩn quy chuẩn dữ liệu toàn cầu qua đó khai phá tạo ra những giá trị lớn nhất từ dữ liệu mở” – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói thêm.