Đó là thông tin được đưa ra trong Tọa đàm đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật CNTT với chủ đề “Phát triển công nghiệp CNTT” vừa được Bộ TT&TT phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM tổ chức vào chiều ngày 10/11, tại TP.HCM.
Tại buổi Tọa đàm, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT nhấn mạnh, ở góc độ địa phương, các tỉnh ở khu vực phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đi tiên phong trong lĩnh vực CNTT, công nghiệp điện tử của cả nước. Đặc biệt, TP.HCM với vai trò là đầu tàu công nghiệp của cả nước có nhiều thành tựu về phát triển công nghiệp CNTT như: thu hút đầu tư, phát triển khu CNTT tập trung, phát triển vi mạch điện tử…
Việc phát triển công nghiệp CNTT liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác như: đầu tư, thuế, đất đai, môi trường, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, phát triển công nghiệp CNTT chịu sự chi phối mạnh mẽ của thị trường và không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, việc đánh giá triển khai thi hành Luật CNTT trong lĩnh vực công nghiệp CNTT là một việc phức tạp, trải rộng từ công tác thực thi nhà nước của các Bộ, địa phương đến hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Với ý nghĩa đó, Bộ TT&TT tổ chức tọa đàm nhằm các mục tiêu: đánh giá công tác thực thi Luật CNTT về đầu tư phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn các địa phương mạnh về công nghiệp như TP.HCM; trao đổi những thành tựu, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình phát triển CNTT gồm: thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, quản lý doanh nghiệp trên địa bàn; kết quả đầu tư của địa phương cho phát triển công nghiệp CNTT, những thành tựu và hạn chế; đề xuất của địa phương về cải thiện môi trường đầu tư phát triển công nghiệp với Chính phủ để nghiên cứu đưa vào hoàn thiện Luật CNTT.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA), nhận xét hiện nay các công ty FDI lớn như Samsung, Canon, LG, Toshiba … hầu như chỉ thuê lao động Việt Nam làm việc trong khâu lắp ráp và kiểm định cuối cùng, là những khâu có giá trị gia tăng thấp nhất chuỗi. Điều này cho thấy công nghiệp điện tử Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào các công ty 100% vốn nước ngoài về công nghệ, còn lực lượng lao động Việt Nam chỉ tham gia vào các công đoạn sơ đẳng và có hàm lượng công nghệ thấp nhất.
Do đó, HSIA đề xuất một số giải pháp như: Phát huy tối đa lợi thế so sánh quốc gia (chi phí nhân công, chính trị ổn định, dân số trẻ và đông, chi phí vận tải thấp…); Tận dụng tốt cơ hội nội địa hóa sản phẩm đã ký kết với các tập đoàn lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ; Sớm ban hành chính sách cụ thể, ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có những sản phẩm ứng dụng vi mạch Việt (do Việt Nam tự chủ trong nghiên cứu thiết kế hoặc sản xuất) tham gia vào các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (như chiếu sáng công cộng, điện lực, viễn thông, y tế…).
Đối với những dự án cơ sở hạ tầng có liên quan đến yếu tố an toàn an ninh thông tin (truyền hình, viễn thông), hoặc an toàn năng lực (dầu khí, điện lực), từng bước ban hành các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho các thiết bị và tiêu chí bắt buộc ứng dụng các sản phẩm vi mạch Việt.
Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế Vi mạch – Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị điều chỉnh bổ sung tạo điều kiện phát triển công nghiệp phần cứng CNTT. Đây là một ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, cần đặc biệt ưu tiên các sản phẩm được nghiên cứu, phát triển bởi nhân lực trong nước. Hiện nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước nhưng hoàn toàn chỉ lắp ráp theo thiết kế nước ngoài, do đó cần phân biệt sản phẩm “lắp ráp” và sản phẩm “thuần Việt” để đánh giá mức độ ưu tiên và hỗ trợ phù hợp, thúc đẩy những sản phẩm thực chất Việt Nam.
Chủ trì tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết dự kiến sắp tới sẽ tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT với quy mô lớn, có sự tham dự của các bộ ngành liên quan để đánh giá một cách toàn diện, thấu đáo, vì CNTT còn liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác như: đầu tư, thuế, đất đai, môi trường, xuất nhập khẩu…
hứ trưởng đề nghị các đại biểu, doanh nghiệp thẳng thắn đề xuất, góp ý cho các bộ ngành liên quan, chú trọng vào việc rà soát các văn bản, quy định hiện hành, có giải pháp giảm bớt các khó khăn, rào cản nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp CNTT phát triển; đặc biệt là đề xuất giải pháp để Nhà nước hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh…