Phát triển công nghiệp bán dẫn: Việt Nam thiếu cả thầy lẫn thợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024. 

Phần chia sẻ của ông Nguyễn Thiện Nghĩa tại Tọa đàm (Video: Đăng Khoa)

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng sang Mỹ vào tháng 9 năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng với các chuyên gia của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi làm việc với Qualcomm và Synopsys. Bộ trưởng đã đề nghị Qualcomm hợp tác, thuê gia công và chuyển giao công nghệ thiết kế chip cho Việt Nam.

Hai bên sau đó đã có thêm vài buổi gặp gỡ thảo luận. Đại diện Viettel cũng đã trình diễn với phía Qualcomm về thiết kế chip 5G của mình. Qualcomm cho rằng có thể thuê kỹ sư Việt Nam thực hiện một số công đoạn thiết kế không quá phức tạp. Tuy nhiên, sau đó Qualcomm đã không có động thái mới.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa giải thích rằng sở dĩ Qualcomm "im lặng" là vì, theo tìm hiểu của ông, riêng chi nhánh Qualcomm ở Ấn Độ đã có 10.000 kỹ sư, trong khi Viettel gom hết chỉ có khoảng 50 người tinh thông. Nếu Việt Nam có số lượng kỹ sư công nghệ khoảng 10.000 người như Ấn Độ thì chắc chắn sẽ nhận được sự đầu tư và chuyển giao công nghệ của Qualcomm.

"Đây chính là một thách thức mà chúng ta đang đối mặt. Chúng ta đang thiếu cả thầy lẫn thợ", ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.

Hôm 28/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã tổ chức lấy ý kiến lần thứ tư về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Bộ có mời đại diện sứ quán Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan... tới tham vấn. Họ đã tư vấn cho Việt Nam rằng cần phải tăng tốc phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cho chip bán dẫn, bởi vì các nước châu Á như Malaysia, Ấn Độ và cả Pakistan cũng đang hành động rất nhanh.

"Chúng ta làm không nhanh sẽ bỏ lỡ cơ hội này, vì nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng chỉ tồn tại trong vài năm thôi", Phó cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT nhấn mạnh.

Thâm nhập thị trường ngách

Đối với câu hỏi Việt Nam có nên xây nhà máy sản xuất chip bán dẫn, ông Nguyễn Thiện Nghĩa đã dẫn chứng số liệu rằng, đối với công nghệ chip dưới 16 nanomet thì phải đầu tư hơn 10 tỉ USD, đối với công nghệ 28 nanomet thì từ 5-7 tỉ USD. Với công nghệ chip 40-60 nanomet thì cần đầu tư 3-5 tỉ USD. Còn đối với chip 90 nanomet trở lên thì chúng ta cần đầu tư khoảng 500 triệu USD. Đây là một trong các yếu tố mà Việt Nam cần xem xét kỹ càng.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói thêm rằng ở phân khúc sản phẩm dành cho hạ tầng ICT như chip cho các thiết bị viễn thông hoặc trung tâm dữ liệu, nhiều công ty Việt Nam có thể đảm nhận. Đây là một dạng thị trường ngách mà các công ty Việt Nam có thể thâm nhập.

Tham gia thảo luận với các chuyên gia và nhà quản lý, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng, cho biết Nghị quyết 43 của thành phố đã đặt trọng tâm phát triển công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ cao từ nay đến năm 2045. Đà Nẵng đang thực hiện nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.

Ông Thanh cho biết đây là thời điểm thành phố tìm cơ hội để bứt phá sau 22 năm phát triển công nghiệp phần mềm. Thành phố đã cử nhiều đoàn công tác tới các quốc gia như Mỹ, Đài Loan, Hà Lan để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ông Thanh nhận thấy ngành bán dẫn đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt thời gian gần đây với sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong đề án phát triển ngành bán dẫn của thành phố Đà Nẵng mà Sở TT&TT là đầu mối thực hiện, ông Thanh cho biết văn bản này đã bổ sung lĩnh vực AI bên cạnh 3 nội dung chính gồm nhân lực, hạ tầng và chính sách.

Về nguồn nhân lực, mục tiêu là phải đào tạo được nhân lực đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng. Về chính sách thì có sự kết hợp của 3 nhà: nhà nước đóng vai trò điều phối, nhà trường giữ vai trò đào tạo và nhà doanh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao.

Đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập

Nanochap là công ty nghiên cứu và phát triển chip trong lĩnh vực y tế, được các nhà đầu tư định giá 510 triệu USD. Nanochap có trụ sở chính tại Hàng Châu - Trung Quốc, và trung tâm R&D lớn tại Melbourne, Úc. Nanochap được thành lập bởi một cựu sinh viên người Trung Quốc và ông Trần Nhàn, cựu sinh viên Việt Nam tại Úc.

Theo ông Trần Nhàn, công ty hiện có thể đảm nhiệm hoàn toàn từ khâu thiết kế chip cho đến giai đoạn hoàn thành sản phẩm. Năm ngoái, Nanochap đã đặt một văn phòng tại TP.HCM và tuyển dụng được hơn 10 nhân sự cho lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên, ông Nhàn cũng thẳng thắn thừa nhận rằng việc đào tạo nhân lực trong nhà trường Việt Nam còn nhiều bất cập, có nhiều sinh viên không nắm bắt được những kiến thức cơ bản.

vt_tran nhan.jpg
Ông Trần Nhàn tham luận tại Tọa đàm cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2023

Ông Nhàn cho rằng các sinh viên ngành bán dẫn sau ra trường cần có khoảng thời gian 2-3 năm làm việc thực tế, từ đó mới có thể nắm bắt được các quy trình chế tạo chip.

Ông Nhàn hy vọng đội ngũ kỹ sư của Nanochap Việt Nam có thể làm ra được một con chip hoàn chỉnh trong những năm tới.

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết trường đang hợp tác với nhiều công ty bán dẫn của Việt Nam để giúp sinh viên thực hành. Trường cũng thành lập một phòng nghiên cứu, với 10 sinh viên xuất sắc nhất, trong đó có một em được doanh nghiệp Đài Loan tuyển dụng với mức lương 120 triệu đồng/tháng.

Tới đây, trường Điện - Điện tử cũng mở chương trình đào tạo thạc sĩ về bán dẫn thông qua sự hợp tác với Viện Khoa học công nghệ và Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Quốc gia Đài Loan. Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đang kết hợp với một số trường đại học ở phía Nam để đào tạo giảng viên ngành bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đó là việc làm cho các sinh viên ra trường. Nhìn tổng thể, Việt Nam có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn so với một số quốc gia trong khu vực, nhưng tỷ trọng đóng góp của Việt Nam còn khiêm tốn. Chẳng hạn như trong mảng đóng gói kiểm thử, Việt Nam chỉ chiếm 5% toàn cầu, mảng thiết kế chip còn thấp hơn.

Cho nên điều mà Việt Nam ưu tiên là sự dịch chuyển, phải tăng tỷ trọng hoạt động bán dẫn từ nước ngoài sang Việt Nam, có thể trong lĩnh vực kiểm thử, có thể trong thiết kế. Khi thực hiện tốt việc này sẽ có nhu cầu lớn từ thế giới cho ngành chip Việt Nam, ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, Việt Nam cần cải thiện 3 yếu tố gồm: Thứ nhất là năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo cho sản xuất. Thứ hai là bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thứ ba là hạ tầng giao thông, hạ tầng thủ tục xuất nhập khẩu. Yếu tố thứ tư là các ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) xây dựng dự thảo đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của Việt Nam và thế giới.