Chia sẻ tại phiên thảo luận "Hợp tác phát triển Công nghiệp bán dẫn" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024" ngày 29/5, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, nhận định: "Cơ hội đang tới với Việt Nam, mặc dù rất nhanh nhưng chúng ta sẽ nắm bắt nó. Chúng ta đang có cái "hungry" (khao khát và ý chí ) để nắm bắt cơ hội này".
Ngày 10/9 năm ngoái, ông Bình được mời dự hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt - Mỹ trong đó có sự hiện diện của Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Anthony Blinken và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo ông Bình, cuộc gặp này có 2 bất ngờ lớn: Thứ nhất là 2 nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, trở thành người bạn thân thiết. Thứ hai là phía Mỹ tham dự hầu hết là các công ty về chip và hai bên đặt vấn đề phát triển chip.
Tại sao bây giờ bỗng dưng Việt Nam lại được Mỹ lựa chọn? Theo ông Bình, thế giới đang bước vào một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà trọng tâm là cuộc chiến về chip, mà hiện tại công nghệ chip lại đang không nằm ở nước Mỹ.
Nước Mỹ giờ đây đưa ra khái niệm friendshore – các công nghệ cốt lõi phải nằm ở quốc gia là bạn tin cậy của nước Mỹ. Điều này cũng đã được đưa vào Đạo luật Khoa học và Chip (gọi tắt là Chip Act) được Tổng thống Joe Biden thông qua vào năm 2023. Nội dung đạo luật là tài trợ cho các công ty xây dựng nhà máy chip bán dẫn tại Mỹ, và tài trợ phát triển chip cho các quốc gia thân thiện.
Ông Bình đã có thời gian làm việc với Hiệp hội Bán dẫn Mỹ. Khi ông hỏi về kế hoạch hỗ trợ các nước phát triển chip bán dẫn, ông được biết phía Mỹ cho biết danh sách này có nhiều quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan kể cả Mexico, Brazil. Tuy nhiên Việt Nam là nước duy nhất có trong danh sách hỗ trợ sản xuất. Điều này cho thấy phía Mỹ cũng rất coi trọng Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Bình, Việt Nam không có nhiều thời gian để chờ đợi sự hỗ trợ từ phía nước ngoài. Trong một cuộc gặp gỡ có sự hiện diện của đại sứ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, có một quan chức đã nói với ông Bình rằng: "Ông không biết được tương lai Việt Nam sẽ sáng thế nào đâu, nhưng cơ hội cho Việt Nam chỉ có 18 tháng thôi".
Công nghệ chip bán dẫn đang phát triển rất nhanh và thế giới không chờ Việt Nam quá lâu. Chúng ta cần có sự phát triển nhanh chóng về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.
Ông Bình nói rằng thật cảm động khi trong cuộc chạy đua chip bán dẫn này, người Việt trên toàn thế giới đang rất đoàn kết. Nhiều trí thức Việt kiều bỏ qua những đau đớn, mất mát của gia đình thời hậu chiến, đã trở về Việt Nam cùng chung tay mở công ty thiết kế vi mạch.
"Nếu như trước đây lĩnh vực phần mềm chúng ta phát triển từ con số 0 thì bán dẫn không xuất phát từ số 0", Chủ tịch FPT nói, nhấn mạnh thêm rằng những người làm công nghệ Việt Nam trên toàn thế giới đang cùng hướng tới mục tiêu là "Việt Nam AI", "Việt Nam Semiconductor".
Thiên thời của "dân ăn đũa"
Thiên thời là một trong những yếu tố có thể giúp một quốc gia, một doanh nghiệp đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều quốc gia đã biến thiên thời thành lợi thế và đã trở thành những con hổ về kinh tế.
VN có 1 triệu người làm CNTT, có nửa triệu người làm phần mềm. Bây giờ các bạn bước vào lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, các bạn sẽ gia nhập những dân tộc tiên tiến nhất trên thế giới.
Jensen Huang - CEO Nvidia
Theo ông Trương Gia Bình, ngành công nghiệp bán dẫn giống như bale, nhạc cổ điển, đòi hỏi năng khiếu. Không phải ai cũng lên múa, lên hát được. Năng khiếu ấy phải lấy từ quá khứ, lấy từ văn hóa dân tộc.
Trong khi người phương Tây rất giỏi về lý luận (theory), chẳng hạn như Newton với định luật Vạn vật hấp dẫn, Einstein với Thuyết tương đối... thì "dân ăn đũa" - ông Bình ví von người châu Á nói chung - lại có khả năng về thiết kế phần cứng, phát triển phần mềm.
Có một con số bất ngờ mà khi đến thăm các công ty lớn về chip ông Bình mới được họ cho biết, đó là 90% kỹ sư thiết kế chip là người Ấn Độ. Về gia công phần mềm, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Ấn Độ. Trên thế giới chỉ có Việt Nam và Ấn Độ là có công ty xuất khẩu phần mềm đạt 1 tỉ USD.
Tại sao những công việc liên quan đến thiết kế, phần mềm thì “dân ăn đũa” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam lại có lợi thế? Theo ông Bình, vì ngành chip thay đổi rất nhanh, AI cũng vậy. Vì thế phải có những người có niềm tin, có những dân tộc có khát khao, biết chấp nhận rủi ro thì mới làm được.
Thiên thờ đã từng đến với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan. Giờ đây, mỗi năm Ấn Độ mất đi 1 triệu người lao động do dân số già. Nhật Bản cũng đang trong tình trạng dân số già. Hàn Quốc thì chỉ sản xuất một vài lĩnh vực chính.
"Bây giờ chính là thiên thời của Việt Nam. Việt Nam đang có sự “hungry” trong lĩnh vực bán dẫn. Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam có ý chí vươn lên mạnh mẽ nhất, không chịu khuất phục bất cứ cường quyền nào" - ông Bình nhấn mạnh.
Nếu không được lựa chọn, Việt Nam sẽ tự tạo cơ hội cho mình
Theo ông Trương Gia Bình, lĩnh vực chip đang là một cơ hội đối với Việt Nam và cũng là nhu cầu sống còn với thế giới.
Tuy nhiên, có một số chuyên gia chỉ trích rằng Việt Nam dường như đang chạy theo phong trào, và chip bán dẫn không phải là thứ dễ sản xuất. Phản bác lại luận điểm này, ông Bình nói rằng nhu cầu chip bán dẫn của thế giới là hiện hữu, nhưng Việt Nam "không nhìn vào nhu cầu, vào đồng tiền của ai, mà có cơ hội Việt Nam sẽ tự nắm lấy. Có lợi cho đất nước chúng ta mới làm, không có lợi không làm".
"Nếu không được chọn, VN cũng dồn hết sức mạnh, ý chí và tài sản để thiết kế chip mà không phụ thuộc vào ai", ông Bình nói.
Mặc dù chặng đường phát triển công nghiệp bán dẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ông Trương Gia Bình tin rằng Việt Nam sẽ làm được. Ông cho biết, trong các cuộc làm việc với các công ty bán dẫn Đài Loan, họ muốn hợp tác với phía Việt Nam để cùng giành lại thị phần thiết kế bán dẫn. Hiện Ấn Độ đang chiếm 90% thị phần thiết kế chip bán dẫn.
Ông Bình cũng chia sẻ thêm rằng thời gian tới FPT sẽ triển khai một nhà máy AI tại Nhật Bản. AI cũng là lĩnh vực phát triển rất nhanh và rất mới. Nhiều công ty đang rất khát nhân lực AI và trong tương lai AI còn quan trọng hơn cả chip. Ông Bình mong muốn Việt Nam có thể phát triển mạnh AI, tích hợp AI vào trong con chip, từ đó các công ty nước ngoài sẽ tự tìm đến Việt Nam mà chúng ta không phải đi kêu gọi ở đâu cả.
Ngoài ra, FPT cũng sẽ cung cấp nhân lực cho liên doanh Nhật - Đài để vận hành cho nhà máy của họ ở Nhật Bản, Saudi Arabia và sau đó là nhà máy ở Việt Nam.
"Sinh viên Đại học FPT đã là 70.000 người, sắp lên 100.000 người rồi và sẽ còn tăng nữa. Những người chỉ trích cứ tiếp tục chỉ trích, còn chúng ta vẫn cứ thực hiện", Chủ tịch FPT nói.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu