Phạt đến 15 triệu đồng nếu tự ý tăng giá bán khẩu trang

VietTimes -- Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng mặt hàng này phải niêm yết giá. Theo đó, người bán không niêm yết giá hoặc có niêm yết mà tăng giá bán sẽ đều bị phạt đến 15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng.
Vài giờ sau khi WHO tuyên bố dịch virus Corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, giá bán khẩu trang tại Hà Nội tiếp tục tăng, gấp 5-6 lần so với ngày thường. Ảnh: Anh Lê.
Vài giờ sau khi WHO tuyên bố dịch virus Corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, giá bán khẩu trang tại Hà Nội tiếp tục tăng, gấp 5-6 lần so với ngày thường. Ảnh: Anh Lê.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào chiều nay (31/1), liên quan tới giá khẩu trang và nước sát trùng để ứng phó với dịch virus Corona mới, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Lê Thành Công cho biết nhu cầu đang tăng đột biến. Cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát Tết Nguyên đán. Vừa qua, có đơn vị ở Trung Quốc đề nghị nhập khẩu khẩu trang từ Việt Nam.

Vị này cũng cho biết các đơn vị sản xuất trong nước cũng đang tìm nguyên liệu mới từ châu Âu, các quốc gia khác để nhập khẩu, sản xuất.

Về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng sẽ khó khăn.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định: “Không có chuyện bệnh viện bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn ra ngoài, vì bản thân các bệnh viên rất lo các nguồn cung ứng nội bộ để phòng chống dịch”.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.

“Không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt”, ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bổ sung thêm: “Điều 10, Luật Giá cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch họa để kinh doanh hàng hóa trục lợi. Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch họa sẽ bị phạt từ 30-300 triệu và phạt tù tới 3 năm”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Quản lý thị trường sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành khi kiểm tra, xử lý các hành vi này.

Để tạo thuận lợi cho việc phòng ngừa virus Corona mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao quản lý thị trường, thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.