Pharbaco tăng vốn lên 900 tỷ đồng: Phát hành cho ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – CTCP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco vừa chính thức nâng vốn điều lệ lên mức 900 tỷ đồng. Sau tăng vốn, theo khảo sát của VietTimes, doanh nghiệp của ông Ngô Nhật Phương trở thành doanh nghiệp có vốn cao thứ hai ngành dược, chỉ sau CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG).
Sau khi chi phối Pharbaco, đại gia Ngô Nhật Phương tham vọng đưa cựu thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam trở thành doanh nghiệp dược số 1 Việt Nam và top đầu châu Á.
Sau khi chi phối Pharbaco, đại gia Ngô Nhật Phương tham vọng đưa cựu thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam trở thành doanh nghiệp dược số 1 Việt Nam và top đầu châu Á.

CTCP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (Mã CK: PBC) vừa thông báo đã hoàn thành đợt chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ vào ngày 22/9/2020, qua đó chính thức nâng vốn điều lệ lên 900 tỷ đồng.

Theo đó, có 3 nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu PBC, gồm: CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê (mua 5 triệu cổ phiếu), CTCP Appollo (mua gần 34,12 triệu cổ phiếu) và CTCP Sài Gòn Pharma (mua hơn 10,88 triệu cổ phiếu). Được biết, cả 3 nhà đầu tư này đều có liên hệ với đại gia Ngô Nhật Phương - đương kim Chủ tịch HĐQT Pharbaco.

Sau đợt chào bán, CTCP Appollo trở thành cổ đông lớn nhất tại PBC khi nắm giữ 34,87 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 38,74% vốn. CTCP Sài Gòn Pharma đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 27,78% vốn.

CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê nhận phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phần Pharbaco.
CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê nhận phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phần Pharbaco.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Appollo đạt 681 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu: 364 tỷ đồng). Doanh thu của Appollo trong năm 2019 đạt 281 tỷ đồng, báo lãi ròng khiêm tốn - chỉ 221 triệu đồng. Trong khi, hai nhà đầu tư nhận phát hành còn lại - là Hương Quê và Sài Gòn Pharma - có quy mô tài sản nhỏ hơn nhiều - lần lượt đạt 63 tỷ đồng và 252 tỷ đồng (tại kết niên 2019).

Theo công bố, Pharbaco sẽ sử dụng nguồn vốn thu được từ đợt chào bán trên để cấn trừ công nợ với các chủ nợ nhằm huy động vốn chủ sở hữu, tái cấu trúc nguồn vốn, giảm nợ vay và lành mạnh hóa tình hình tài chính.

Chủ tịch HĐQT Pharbaco Ngô Nhật Phương.
Chủ tịch HĐQT Pharbaco Ngô Nhật Phương.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 15/9 vừa rồi, ông Ngô Nhật Phương, Chủ tịch HĐQT Pharbaco, đã chủ trì cuộc họp chia tay đối với toàn thể lãnh đạo chủ chốt của công ty. Chưa rõ đây có phải là động thái mở đường cho việc ông Phương rời ghế Chủ tịch HĐQT Pharbaco hay không?

Chỉ biết rằng, công ty này cũng vừa thông báo về kế hoạch tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 với nội dung họp dự kiến là “Bầu bổ sung thành viên HĐQT và các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ”.

Nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần của Pharbaco đạt 376,5 tỷ đồng, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế ở mức 6,8 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lãi 0,392 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Pharbaco đạt gần 2.067 tỷ đồng, tăng 10,6% so với thười điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm nhẹ xuống còn 478,6 tỷ đồng.

Năm 2020, Pharbaco đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.000 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng lần lượt là 1% và 42,8% so với thực hiện năm 2019./.