Cuộc “lột xác” của Pharbaco

VietTimes – Quy mô tài sản tăng bằng lần, doanh thu cán mốc nghìn tỷ, CTCP Dược phẩm trung ương I (Pharbaco – Mã CK: PBC) đã có sự chuyển mình mạnh mẽ khi về tay tư nhân. Bên cạnh đó, Pharbaco còn nuôi tham vọng lớn với dự án nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP – EU.
Trụ sở Pharbaco tại số 160 Tôn Đức Thắng, Hà Nội
Trụ sở Pharbaco tại số 160 Tôn Đức Thắng, Hà Nội

Hôm 27/6, khoảng nửa năm sau khi “lên sàn”, CTCP Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco) đã tổ chức thành công phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020. Phiên họp có sự tham gia của 222 cổ đông, đại diện cho 38,8 triệu cổ phần, chiếm 97,11% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành.

Số lượng cổ đông tham dự đông đảo phần nào cho thấy mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư trên thị trường dành cho Pharbaco – “tân binh” ngành dược mới niêm yết, nuôi tham vọng trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp dược phẩm có sản lượng lớn nhất Việt Nam.

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu (giá trị phát hành theo mệnh giá là 500 tỷ đồng) để cấn trừ công nợ đối với một số chủ nợ đã cho công ty vay. Hoạt động này giúp Pharbaco nâng vốn điều lệ lên 900 tỷ đồng, cân đối lại cấu trúc vốn, giảm bớt đòn bẩy tài chính, củng cố vị thế với các tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, các chủ nợ được điểm tên (CTCP Đầu tư Thương mại Hương Quê, CTCP Appollo hay CTCP Sài Gòn Pharma) đều là các cổ đông lớn của Pharbaco trước khi lên sàn. Việc hoán đổi công nợ còn giúp các chủ nợ này có thể chuyển đổi hình thức đầu tư bằng cách sở hữu cổ phiếu của công ty.

Thành lập từ năm 1954, tiền thân là Xí nghiệp dược phẩm TW1, Pharbaco là một doanh nghiệp ngành được có lịch sử lâu đời, đã khẳng định được vị thế và uy tín trên thị trường.

Sau khi tiến hành cổ phần hóa, rồi "về tay" tư nhân từ năm 2015, Pharbaco là một trong số ít doanh nghiệp dược còn giữ được “bản sắc” xưa thay vì theo đuổi các “cuộc chơi đất vàng”. Quy mô tổng tài sản, kết quả kinh doanh của công ty cũng được cải thiện từng năm.

Tính tới cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Pharbaco đạt 1.868,6 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cuối năm 2015. Còn về hoạt động kinh doanh, trong năm 2019, doanh thu của Pharbaco đạt 989,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10,5 tỷ đồng – cao gấp nhiều lần so với mức 1,3 tỷ đồng năm 2015. Năm 2020, Pharbaco đạt mục tiêu doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 20 tỷ đồng.

Với sự trợ giúp về nguồn lực và con người từ nhóm cổ đông tư nhân, Pharbaco đang dần “cởi bỏ” các nhà máy cũ, lạc hậu, hướng tới những mục tiêu tham vọng và bắt kịp xu hướng trong lĩnh vực dược phẩm.

Trong năm 2019, các chủ nợ có nhiều mối liên hệ với ông Ngô Nhật Phương đã cho Pharbaco vay tới cả trăm tỷ đồng nhưng không lấy lãi (lãi suất 0%). Khoản vay cũng chẳng có tài sản đảm bảo. Toàn bộ số tiền được sử dụng vào mục đích thực hiện dự án xây dựng nhà máy bào chế dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP – EU.

Giai đoạn 1 của dự án đã được triển khai xây dựng từ năm 2018, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, bao gồm 2 dây chuyền Non Betalactam viên (624 tỷ đồng) và dây chuyền Cefalosporin tiêm và viên (576 tỷ đồng). Đến cuối tháng 1/2020, toàn bộ máy móc và thiết bị của nhà cung cấp đã về tới công ty.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Các chuyên gia gần như không thể sang Việt Nam để phối hợp vận hành máy móc, chạy thử, buộc phải hỗ trợ online. Song, Pharbaco vẫn đặt mục tiêu sẽ hoàn thành và thẩm định xong nhà máy GMP – EU vào Quý 3/2020.

Việc phát triển giai đoạn 2 của dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng, cũng được Pharbaco đốc thúc lên kế hoạch triển khai. Nguồn vốn thực hiện dự kiến sẽ được huy động từ cổ đông chiến lược và vay ngân hàng.

Việc sở hữu nhà máy đạt chuẩn GMP - EU sẽ giúp dược phẩm của Pharbaco đủ tiêu chuẩn đấu thầu ở nhóm 1 và 2 trên kênh ETC (bệnh viện, phòng mạch) và tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp dược phẩm có sản lượng lớn nhất Việt Nam.

Đáng chú ý, Pharbaco là một trong số ít các doanh nghiệp nội tự triển khai dự án nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP – EU mà không có sự tham gia của cổ đông nước ngoài như nhiều doanh nghiệp khác.

Ngày 19/5/2020, CTCP Appollo đã thực hiện bán ra 9,9 triệu cổ phiếu PBC cho Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà, giảm tỷ lệ sở hữu tại Pharbaco từ 26,63% xuống mức 1,88% vốn điều lệ.

Tân cổ đông lớn của Pharbaco - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà – được thành lập từ tháng 9/2003, hiện do ông Tô Văn Thọ (SN 1959, thường trú tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên./.