Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, việc quản lý doanh thu thu phí BOT là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình vận hành, khai thác dự án.
Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát các hoạt động thu tại các trạm thu phí, nên công tác quản lý thu phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp những khó khăn.
Mặt khác, cũng vì lý do này, các cơ quan được giao quản lý lại chưa đủ cơ sở để có biện pháp giám sát và giám sát được hoạt động thu phí của các dự án BOT.
Dẫn chứng tại hội thảo cho thấy “tác hại” từ thực tế do thứ trưởng Bộ GTVT nêu. Chẳng hạn, tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, qua kiểm tra của Tổng cục Đường bộ thì số thu bình quân 1,97 tỷ đồng/ngày. Nhưng báo cáo của chủ đầu tư thì lại chỉ có số thu bình quân là 582 triệu đồng/ngày, chỉ bằng 29% so với kết quả kiểm tra.
Việc kiểm tra tại trạm thu phí quốc lộ 18 vừa qua theo phản ảnh của cơ quan báo chí cũng cho kết quả tương tự. Khi chính những lãnh đạo và nhân viên ca trực đã chủ động để xảy ra tình trạng gian lận thu phí. Và mặt khác, Bộ GTVT cũng khẳng định vì lợi ích của mình, các nhà đầu tư thường không báo cáo chính xác số liệu thực tế của các công trình đầu tư và trạm thu phí BOT.
Tuy nhiên, việc thiếu cơ chế quản lý dẫn tới tình trạng gian lận thu phí này dường như không phải vấn đề lớn với công tác quản lý nhà nước.
Vì theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, biện pháp để đảm bảo minh bạch trong thu phí và giúp cơ quan chức năng kiểm soát doanh thu là hiện các cơ quan quản lý đang triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng đối với toàn bộ các trạm thu phí. Việc triển khai này cũng bao gồm bố trí hệ thống camera và chuyển toàn bộ dữ liệu trực tuyến qua Internet về trung tâm theo dõi.