Trao đổi với PV VietTimes vào chiều 2/2, PGS.TS. Trần Huy Thịnh cho biết: Hiện trên thế giới đã giải mã được bộ gen của nCoV, đồng thời, tiến hành phân lập virus để chuẩn bị sản xuất vaccine phòng bệnh. Tại Việt Nam, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã giải mã một phần bộ gen của nCoV.
Chia sẻ về hy vọng chữa khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, PGS. TS. Trần Huy Thịnh cho hay: Đến thời điểm hiện tại, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị nCoV. Cách tốt nhất để chữa khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV là tạo ra vaccine để tiêm phòng bệnh. Tuy nhiên, từ lúc tạo ra vaccine đến lúc đưa vào bệnh viện để bệnh nhân sử dụng, sẽ mất khoảng 1 năm. Vì thế việc chế tạo vaccine cần có thời gian, chưa thể thực hiện ngay được.
Virus Corona. (Ảnh: Jiji Press)
|
Việc giải mã bộ gen của nCoV sẽ giúp các nhà nghiên cứu biết được vị trí biến đổi trên bộ gen của nCoV so với virus Corona kinh điển. Vì nCoV chính là chủng mới của virus Corona. Từ đó, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá được mức độ lây nhiễm từ người sang người của nCoV, xem xét độc lực của nCoV ở mức độ nào.
Để có một cái nhìn đầy đủ hơn thì phải đánh giá nCoV, cần dựa trên tốc độ lây lan, mức độ bệnh của những người đã nhiễm bệnh. Cùng với đó, kết hợp 2 yếu tố là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Nhân viên y tế tại Trung Quốc đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu. (Ảnh: Đa Chiều).
|
Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Việt Nam đã ghi nhận 7 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, PGS. TS. Trần Huy Thịnh nhấn mạnh: Ngay khi phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh, hệ thống y tế đã vào cuộc rất tốt, Bộ Y tế đã tổ chức liên tiếp các cuộc họp về công tác phòng, chống, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn, quy trình cụ thể, khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm như SARS-CoV để vào cuộc sớm, chủ động phòng dịch. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm vì Bộ Y tế luôn chủ động cung cấp thông tin công khai để kịp thời phát hiện, cách ly những trường hợp mắc và nghi mắc bệnh.
Trước tình hình bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV diễn biễn phức tạp, các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo nCoV có thể truyền nhiễm qua hệ tiêu hóa. Các chuyên gia y tế thuộc Bệnh viện Nhân dân của Đại học Vũ Hán và Viện virus học Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phối hợp nghiên cứu và tìm thấy acid nucleic của virus trong chất bài tiết và trực tràng, sau khi phát hiện dấu hiệu ban đầu của một số ca nhiễm bệnh lại chỉ là tiêu chảy chứ không phải sốt như các trường hợp phổ biến. Nhóm nghiên cứu cho rằng, ngoài truyền nhiễm qua tiếp xúc hoặc đường hô hấp, nCoV còn có khả năng truyền nhiễm nhất định qua hệ tiêu hóa. Trong khi đó, chuyên gia thuộc Khoa hô hấp, Viện Nhi thuộc Đại học Chiết Giang cho hay, những thai phụ nhiễm nCoV cũng có khả năng lây truyền virus từ mẹ sang con. Đến 17h00 ngày 2/2, trên toàn thế giới đã có 305 ca tử vong cùng 14.636 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV), trong đó Trung Quốc có 304 người tử vong, Phillippines có 1 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm nCoV gồm: 2 cha con người Trung Quốc (2 người đã âm tính với virus Corona); 3 công dân Việt Nam trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc. |