Đến nay dù lãnh đạo một tập đoàn đa ngành có tiếng tăm là Thành Thành Công (TTC), khi nhắc đến Sacombank, ông Thành vẫn chưa thôi day dứt. Luôn nhận mình là người có lỗi khi không thể giữ được ngân hàng do mình sáng lập và dày công chăm sóc, ông vẫn nói về Sacombank như niềm tự hào lớn đối với ông. Trao đổi cùng cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp tại TP.HCM, ông đã có những chia sẻ thẳng thắn về sự cố 4 năm trước.
- Ông có thể khái quát những giá trị đat được trong quá trình ông hoạt động tại Sacombank?
Tôi nhậm chức chủ tịch Sacombank năm 35 tuổi với niềm khát vọng sôi sục và quyết tâm đưa Sacombank trở thành Citibank tại Việt Nam. Đây là ao ước lớn nhất cả cuộc đời tôi khi dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng.
Là người sáng lập với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, tới khi tôi chuyển giao ở thời điểm năm 2012, mạng lưới của ngân hàng này là 417 chi nhánh, hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ lúc tôi rời đi đã lên tới 10.000 tỷ, tổng tài sản là 146.000 tỷ và lợi nhuận hàng năm cũng đạt khoảng 4.000 tỷ.
Nhiệm kỳ của tôi là tới 2015 và trước đó tôi có cam kết với anh em cũng như cổ đông là sau năm 2015, lợi nhuận của ngân hàng chắc chắn phải hơn 5.000 tỷ một năm. Làm ngân hàng rất khó nhưng nếu giải mã được nó thì cũng tương đối đơn giản, thuận lợi của nó là hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế.
- Vậy ngoài bước phát triển đó còn những gì ông nung nấu mà chưa chưa thể hoàn thiện với Sacombank?
Thời điểm còn làm trong ngành ngân hàng, tôi mang một hoài bão lớn là thành lập ngân hàng lưu động dưới mô hình “kiot banking”, tuy nhiên chưa kịp thực hiện thì phải rời khỏi lĩnh vực ngân hàng.
Tôi luôn cảm thấy mình là người có lỗi với các anh em sáng lập, cổ đông và khách hàng đã tin tưởng vào dịch vụ của chúng tôi.
Sẵn sàng trở lại
- Sự kiện Sacombank bị thâu tóm vào năm 2012 thực sự là cú sốc lớn không chỉ với riêng ông mà cả giới tài chính. Đến nay ông nhìn nhận về thương vụ này như thế nào?
Bây giờ tôi cũng thẳng thắn chia sẻ rằng vụ thâu tóm Sacombank trước đây là một hành động không chuyên nghiệp. Nếu chuyên nghiệp thì nó sẽ đi theo một con đường khác thuyết phục hơn.
Dù tiếc nuối nhưng tại buổi chuyển giao tôi cũng đã kìm lòng, không rơi lệ để chia sẻ thẳng thắn rằng “doanh nhân có tuổi thọ nhưng doanh nghiệp thì không”. Cuộc đời này những gì mình làm chưa được thì phải nung nấu và nuôi dưỡng nó tới lúc nào đó có điều kiện tốt. Tôi cũng sẽ thực hiện lại ước nguyện này, không có vấn đề gì cả.
- Đó phải chăng là động lực để ông tuyên bố trở lại với ngân hàng vào thời gian gần đây?
Việc tôi có ý định trở lại ngân hàng chính là tôi nhận thấy được sự chuyển động tích cực của thị trường, trong bối cảnh thị trường tài chính đóng góp rất tích cực và việc tái cấu trúc ngân hàng đang được quan tâm. Không chỉ riêng tôi mà những người yêu ngân hàng, có nghề với ngân hàng thì nên tham gia vào quá trình tái cấu trúc này.
Nói gì thì nói, ngành ngân hàng đóng vai trò vô cùng thiết thực cho nền kinh tế. Chẳng hạn, ngân hàng mở chi nhánh ở một xã nào đó, ngay khi khai trương, người dân địa phương có thể giửi tiền và vay tiền, đó chính là làm lợi và thúc đẩy kinh tế phát triển. Người làm ngân hàng tạo ra được rất nhiều giá trị.
Chính phủ mới đã đưa ra quan điểm là “chính phủ kiến tạo và chính phủ hành động”. Thị trường tài chính rất quan trọng, nhất là thị trường vốn là cấp thiết.
Tôi và những người bạn của tôi sẵn sàng trở lại.
Chuẩn mực quản trị
- Tuy nhiên hiện tại kinh doanh ngân hàng cũng không phải là điều dễ dàng và chứa đựng nhiều rủi ro thực trạng hàng loạt ngân hàng gặp sự cố thời gian gần đây. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ngân hàng là một cơ quan kinh doanh tiền tệ đóng góp tích cực cho nền kinh tế khi thị trường vốn vẫn chưa đủ hoàn thiện. Dù đầu tư hạ tầng cơ bản thế nào thì điều hành không dễ. Suy cho cùng, ngân hàng cũng là con nợ của dân. Người điều hành cần phải ý thức được việc này, nếu không dễ chết lắm. Cho nên tất cả phải quy về một đầu mối là cách quản trị, có nghĩa là quản trị phải minh bạch, kiểm soát phải có trách nhiệm, điều hành phải có trách nhiệm và thượng tôn pháp luật. Đứng trên kim chỉ nam đó thì dù làm ngành gì cũng tốt chứ không chỉ nghề ngân hàng.
- Trở lại với câu chuyện Sacombank, sau một thời gian dài gắn bó, ông được gì và mất gì khi rời khỏi ngân hàng này?
Cái mất lớn nhất là tôi mất một đứa con mà tôi dốc hết niềm tin để xây dựng nó thành một ngân hàng tầm cỡ ở Việt Nam. Tôi rất tiếc là bao tâm nguyện vẫn chưa hoàn thành được đã phải dừng lại giữa chừng. Cụ thể từ chuyện tôi giáo dục lý tưởng, đạo dức của ngành ngân hàng, rồi đến đại sứ kinh tế kinh doanh ở xã, huyện cho cán bộ nắm như thế nào. Vai trò của người kinh doanh tiền tệ, thúc đẩy hạ tầng cơ sở phát triển ra sao cho hiệu quả.
Tôi là người đầu tiên mở chi nhánh ở bên Lào và Campuchia, cũng là người đầu tiên đưa quản lý quỹ về để củng cố thị trường vốn tại Việt Nam.
Đến nay những điều tôi tạo dựng nên dang dở thì tôi vẫn thấy mình là người có lỗi với anh em sáng lập, cổ đông và khách hàng vì sự cố ập đến ngoài khả năng kiểm soát của tôi.
Tuy nhiên cái được lớn nhất chính là việc tôi nhìn nhận được giá trị của mình. Sau mọi chuyện xảy ra, tôi không còn ở trong ngôi nhà đó nữa. Những gì họ đang thể hiện, tôi nhận thấy mình là người chuẩn mực trong vấn đề quản trị ngân hàng.
Di sản quản trị tôi để lại chính là giúp nhà băng được đánh giá cao và cán bộ, công nhân viên của ngân hàng rất tự hào về mái nhà họ cống hiến trước đây. Hiện tại họ đang làm lãnh đạo cho rất nhiều ngân hàng khác và uy tín của tôi trong thị trường tài chính cũng được ghi nhận ngày một nhiều.
- Câu chuyện của ông cũng đã được nhắc đến nhiều. Vậy đâu là cách ông vượt qua những khó khăn để trở lại mạnh mẽ và nhiệt huyết như ngày hôm nay?
Cuộc đời doanh nhân thì luôn gặp phải nhiều khó khăn, điều này ai cũng sẵn sàng chấp nhận. Tôi cũng trải qua nhiều khó khăn nhưng thật sự năm cú sốc năm 2012 là điều tổn thương nhất.
Điều giúp tôi vượt qua khó khăn này không ai khác chính là gia đình. Đây là chỗ dựa vững tâm nhất cho tôi.
Theo Zing