Ô tô Việt đang ở đâu trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới?

Đi chậm so với các nước trong khu vực 30 năm, tuy có 2 năm gần đây phát triển nhanh chóng, song ngành công nghiệp ô tô Việt hiện đang ở đâu trong bản đồ công nghiệp ô tô thế giới khi nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đang đi vào con đường mà các quốc gia đi trước đã từ bỏ?
Một lượng lớn ô tô nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi 0% đang gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ảnh: Nguyễn Hà
Một lượng lớn ô tô nhập khẩu được hưởng thuế ưu đãi 0% đang gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ảnh: Nguyễn Hà

Phát triển muộn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm, khi Việt Nam đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng thì ngành công nghiệp ô tô các nước trên thế giới đã rất phát triển. Sau hơn 20 năm phát triển, cùng với những chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, sự nỗ lực của doanh nghiệp, hiện ngành công nghiệp (CN) ô tô Việt Nam đã đạt được một số thành tựu.

Tuy nhiên, ngành CN ô tô Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Tìm ra các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để thúc đẩy phát triển CN ô tô trong nước là nội dung được đặt ra tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ với chủ đề Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu do Bộ Công Thương phối hợp với báo Tuổi trẻ TPHCM phối hợp tổ chức sáng 28/11.

Tham gia phân khúc thấp của chuỗi giá trị

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng ngành CN ô tô Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

Đầu tư Nhà máy sản xuất ô tô hiện đại bậc nhất thế giới, Vinfast đang phải bán sản phẩm lỗ hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Hà
Đầu tư Nhà máy sản xuất ô tô hiện đại bậc nhất thế giới, Vinfast đang phải bán sản phẩm lỗ hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Hà

Sau vài chục năm phát triển ngành sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Tỷ lệ NĐH đối với xe cá nhân của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra (mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 thì hiện con số thực tế chỉ ở mức 7-10%).

Một điểm đáng lưu ý được lãnh đạo Cục Công nghiệp đưa ra cho rằng: Nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đang đi vào con đường mà các quốc gia đi trước đã từ bỏ, đó là xu hướng tự cung tự cấp hoặc độc quyền, khép kín trong sản xuất ô tô.

Hiện tại một số doanh nghiệp các chuỗi cung ứng nội bộ từng công ty đang được hình thành nhưng chủ yếu dưới dạng công ty mẹ, số thành viên trong chuỗi còn rất ít, chưa phát triển thành các mạng sản xuất dưới dạng công ty độc lập có quan hệ hợp tác kinh doanh dựa trên hợp đồng dài hạn.

Công nghệ lạc hậu

Thông tin tại Diễn đàn, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy một thực tế: công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp ô tô nhìn chung còn phân tán rời rạc, mối quan hệ lỏng lẻo giữa các nhà lắp ráp và các nhà cung ứng.

Nhất là sự liên kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ và lắp ráp ô tô, giữa các doanh nghiệp trong nước với các “ông lớn” FDI còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước đa số là mới thành lập, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động phát triển các cơ sở công nghiệp hỗ trợ, thu hút vệ tinh.

Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này không có khả năng hoặc rất khó đáp ứng một cách đầy đủ các yêu cầu khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu, thời gian giao hàng từ phía doanh nghiệp nước ngoài. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu nên giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp nên các doanh nghiệp lắp ráp ô tô thường tìm nguồn cung linh kiện từ nước ngoài.

Hạn chế từ chính sách

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh vài trò quan trọng của CNHT đối với phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách, giải pháp để khuyến khích CNHT phát triển. Tuy nhiên, hiện việc phát triển lĩnh vực này còn hạn chế.

Bên cạnh những nguyên nhân, hạn chế từ phía doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, ông Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Đó là: Việc xây dựng chiếc lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô còn chưa thực sự chú trọng tính khả thi khi xác định các mục tiêu cụ thể; Hệ thống chính sách phát triển CNHT cho ngành CN ô tô còn những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu ổn định. Công tác điều hành triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển CNHT cho CN ô tô còn nhiều hạn chế ...

Tham gia diễn đàn có đại diện một số doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam như Công ty CP ô tô Trường Hải, Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Honda Việt Nam… cùng đại diện hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng, linh kiện cơ khí.

Hai năm trở lại đây một số ít doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyển sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại tuy nhiên những hạn chế về chính sách, những khó khăn về thị trường, năng lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu khiến các doanh nghiệp đang gặp khó. Ảnh: Nguyễn Hà
Hai năm trở lại đây một số ít doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyển sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại tuy nhiên những hạn chế về chính sách, những khó khăn về thị trường, năng lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu khiến các doanh nghiệp đang gặp khó. Ảnh: Nguyễn Hà

Đại diện Toyota VN cho rằng: khó khăn lớn nhất của ngành CN ô tô Việt Nam là quy mô thị trường còn quá nhỏ bé, số lượng thấp. Điều này làm chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao. Thêm vào đó, do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện CKD để sản xuất ô tô. Điều này dẫn đến các chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu.

Các doanh nghiệp này đã đưa ra các kiến nghị để khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, trong đó chủ yếu liên quan đến các chính sách quản lý, thuế. Cụ thể: Không tính thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phụ để sản xuất linh kiện NĐH trong nước; Điều chỉnh thuế TTĐB cho phần giá trị NĐH để hưởng ưu đãi theo hàm lượng giá trị tạo ra trong nước và giá trị linh kiện NĐH; Áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển CNHT; Đưa sản phẩm ô tô vào danh mục “ Sản phẩm công nghệ cao”…

Bà Đỗ Thu Hoàng, Phó TGĐ Toyota VN: Doanh nghiệp rất cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ sản xuất xe CKD sản xuất trong nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu của xe nguyên chiếc về 0% kể từ năm 2018. Nếu không được hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, ngành sản xuất trong nước đối mặt với sống còn.

Ông Phạm Văn Tài, TGĐ Thaco: Chính phủ sớm xem xét việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%.

Theo Hải Quan

https://haiquanonline.com.vn/o-to-viet-dang-o-dau-tren-ban-do-cong-nghiep-o-to-the-gioi-116093.html