Tại hội thảo kết nối mạng lưới tái chế nhựa diễn ra sáng 23/5, ông Bùi Trọng Hiếu, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 8.900 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, rác thải nhựa, nylon… chiếm 1.800 tấn (tương đương 20%).
Tuy nhiên, chỉ có 200 tấn rác thải nhựa được tái chế thô sơ, phần còn lại được mang đi chôn lấp chung với các loại chất thải khác.
Rác thải nhựa được chôn lấp dưới đất lâu ngày sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. PGS. TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (thuộc Đại học Công nghiệp TP.HCM), cho biết Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra môi trường nhiều nhất thế giới.
Liên quan đến chất vi nhựa, vị chuyên gia này thông tin có 2 nguồn phát thải chính. Cụ thể, nguồn sơ cấp từ sản xuất hạt nhựa, mài mòn công nghiệp, mỹ phẩm và nguồn thứ cấp từ quá trình phân rã các chất thải nhựa lớn bởi nhiệt độ, tia UV hoặc quá trình phong hóa.
TS Hùng Anh cho rằng các nghiên cứu đã chứng minh rác thải nhựa đang gây ô nhiễm đại dương, các con sông, nước ngầm và không khí. Ở TP.HCM, kết quả phân tích nước sông Sài Gòn cho thấy có nhiều hạt vi nhựa dạng sợi trong nước sông tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Những chất vi nhựa này phát sinh trong trong quá trình giặt giũ mài mòn các sợi vải tổng hợp, sau đó nước thải đổ ra môi trường mà không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. “Tôm cá sẽ ăn những chất vi nhựa này, sau đó con người ăn chúng và dần tích lũy chất vi nhựa trong cơ thể” - TS Hùng Anh giải thích đường đi của chất vi nhựa vào cơ thể người.
Vị chuyên gia này cho biết trên thế giới và cả Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về tác hại của chất vi nhựa đến cơ thể con người. Tuy nhiên, vi nhựa là chất bền vững như dioxin nên sẽ tồn tại rất lâu trong cơ thể người. Chất vi nhựa có thể kết hợp với các chất khác như thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe người dân.