Nhiều Đại biểu quốc hội đã tỏ ra khá lo lắng về khả năng tài chính và khả năng huy động vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong việc trở thành nhà đầu tư cho dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo dự kiến, giai đoạn một dự án sân bay Long Thành sẽ được xây dựng từ năm 2020 đến 2025, với mức kinh phí kiến nghị là 111.689 tỷ đồng. Trong đó ACV sẽ cần huy động hơn 98.000 tỷ đồng. Tổng chi phí xây dựng sân bay sẽ lên đến 336.630 tỷ đồng. Vậy ACV có thể huy đồng nguồn tiền này ở đâu?
Theo lý giải từ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng và "khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành". Mỗi năm ACV lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, ACV có nguồn vốn chiếm 37% để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và được hứa sẵn sàng cho vay 5 tỷ USD không thế chấp.
Nhìn lại báo cáo tài chính quý III của ACV, 9 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuân sau thuế 13.500 và 5.907 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 19,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến cuối tháng 9/2019, doanh nghiệp hiện nắm giữ 32.028 tỉ đồng tiền mặt trong đó là 31.382 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng. Chỉ riêng lãi suất tiền gửi, trong 9 tháng đầu năm 2019, công ty này đã bỏ túi 1.276 tỉ đồng.
Bản thân ACV cũng là doanh nghiệp độc quyền khai thác 22 cảng hàng không và đang vận hành 21 cảng tại Việt Nam. Tính đến cuối tháng 9/2019, 80% doanh thu của ACV tiếp tục đến từ các dịch vụ hàng không đạt hơn 3.600 tỉ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thế nói những tiềm lực tài chính kể trên chính là động lực giúp ACV tự tin vào câu chuyện xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, nhìn lại báo cáo tài chính quý III của doanh nghiệp này, vẫn có thể thấy những khúc mắc cần giải quyết trong việc vận hành, tiềm lực về tài chính và huy động vốn của doanh nghiệp này.
Là một doanh nghiệp đồ sộ với tổng tài sản gần 60 nghìn tỷ đồng (tính đến cuối tháng 9/2019), kể từ khi cổ phần hóa đến nay ACV mới chỉ chi một khoảng ngân sách tầm hơn 7.000 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư tài sản cố định.
Điều đáng nói là tỉ lệ khấu hao tài sản của doanh nghiệp này rất cao. Tính đến cuối tháng 9 năm 2019, số dư tài sản cố định của ACV chỉ còn nằm ở mức 16,8 nghìn tỉ, giảm đến 26% so với hồi đầu năm 2016 (22,6 nghìn tỷ đồng).
Trên thực tế, các đường băng ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã có sự xuống cấp, đe dọa an toàn bay. Tuy nhiên công tác tu sửa vẫn chưa được thực hiện do các yếu tố liên quan đến sở hữu tài sản.
Kể từ khi ACV được cổ phân hóa, hệ thống đường băng đã được tách ra, phần hạ tầng là tài sản nhà nước không tính là tài sản giao cho ACV. Nên khi cơ sở hạ tầng hư hỏng, sẽ dùng ngân sách nhà nước để tu sửa, bảo trì, kể cả khi ACV muốn tự bỏ tiền sửa chữa cũng không thể được.
Điều này tạo nên khá nhiều nghịch lý, vì ACV là đơn vị quản lý và khai thác các đường băng, sân bay và cũng trực tiếp thu lợi nhuận từ những hoạt động này, nhưng lại không dùng tiền kinh doanh để tu sửa được?
Trước bối cảnh đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Thủ tướng mua lại cổ phần do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV, để doanh nghiệp này trở lại là doanh nghiệp nhà nước.
Trở lại vào năm 2015, đây là khoảng thời gian ACV chính thức thực phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO). Số lượng cổ phiếu doanh nghiệp này bán được trong lần IPO 77,8 triệu cổ phần, tương đương 3,41% vốn điều lệ, với mức giá tương đương 14.344 đồng/CP.
Theo kế hoạch, nhà nước sẽ thoái 25% cổ phần ACV, chỉ giữ lại 75% cổ phần. Tuy nhiên, cho đến tháng 9 năm 2019, nhà nước vẫn đang nắm giữ đến 95,4% cổ phần ACV.
Trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu của ACV vẫn đang được các công ty nhìn nhận khá thận trọng, và đa số đưa ra khuyến nghị trung lập. Cổ phiếu ACV trên sàn chứng khoán ít nhất trong hai năm gần đây không có nhiều tăng trưởng về giá, volume giao dịch cũng không quá nhộn nhịp.
Biểu đồ giá và Volume giao dịch của ACV trong 3 năm trở lại đây. |
Mặc dù có mức vốn hóa lớn thứ 6 thị trường chứng khoán Việt Nam và các chỉ số tài chính đủ điều kiện niêm yết trên sàn HoSE nhưng cho đến thời điểm này, ACV vẫn chưa thể chuyển sàn. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 vừa qua, Ban Lãnh đạo ACV cho biết kế hoạch niêm yết trên HoSE phụ thuộc vào việc giải quyết những vấn đề tồn tại, như quyết toán cổ phần hóa, cơ chế khu bay.
Các công tuy chứng khoán cũng khuyến nghị tốc độ tăng trưởng của lượt khách du lịch đang giảm khá nhanh cũng như tình trạng vận hành trên công suất thiết kế cao ở cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng sẽ làm tăng trưởng của ACV chững lại trong thời gian tới.
Như đã nói ở trên, 80% doanh thu của ACV vẫn đang đến từ hoạt động kinh doanh hàng không, trong khi đó các dịch vụ kinh doanh phi hàng không chỉ chiếm 10% mặc dù được đánh giá rất tiềm năng.
Về dự án sân bay Long Thành, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra khá lo lắng về việc huy động vốn vay của ACV. Khoản nợ này rất có thể sẽ làm tăng nợ công, vì ACV hiện vẫn đang là doanh nghiệp với 95% vốn nhà nước./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu