Đầu tháng 9, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã trình Chính phủ phương án mua lại cổ phần của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã CK: ACV) nâng tỷ lệ sở hữu nhà nước lên 100% và giao khu bay cho ACV quản lý.
Phương án này khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về tính khả thi cũng như những hệ lụy tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến chủ trương cổ phần hóa mà nhà nước cố gắng thúc đẩy trong nhiều năm qua.
Sau khi cổ phần hóa ACV, tài sản tại khu bay vẫn thuộc về nhà nước nhưng do một số vướng mắc về quản lý dẫn tới việc các công tác duy tu bảo dưỡng cần thiết không được thực hiện, các đường băng ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã xuống cấp và có thể đe dọa đến an toàn hàng không.
Riêng đối với ACV, trong thời gian chờ quy định hướng dẫn về cơ chế quản lý, khai thác và chế độ hạch toán kế toán đối với tài sản khu bay, tổng công ty này vẫn theo dõi riêng chi phí, doanh thu phát sinh trong khoản mục phải thu khác và phải trả khác trên bảng cân đối kế toán. Việc điều chỉnh số liệu các khoản liên quan đến hoạt động khu bay (nếu có) sẽ được thực hiện theo quyết định, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quền.
Đây cũng là một trong số những nội dung được hãng kiểm toán Deloitte nhấn mạnh trong nhiều kỳ soát xét báo cáo tài chính của ACV.
Theo BVSC, Bộ GTVT cũng trình Chính phủ xem xét 2 phương án khác, bao gồm: (1) Chính phủ sẽ cho thuê khu bay và ACV sẽ phải trả phí thuê hàng năm cho Nhà nước. Chi phí đầu tư và sửa bảo trì khu bay sẽ do Chính phủ đảm nhận; và (2) ACV sẽ tham gia đấu thầu và trả trước một lần cho các tài sản khu bay. ACV chịu trách nhiệm vận hành, đầu tư và bảo trì các tài sản khu bay.
BVSC đánh giá phương án 2 là phương án khả thi nhất, giúp cho đường băng có thể được bảo trì nhanh nhất nhờ kinh nghiệm và nguồn vốn sẵn có của ACV và đây cũng phương án nhiều khả năng sẽ được phê duyệt nhất.
“Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ phê duyệt đề án khu bay trong năm 2019 từ đó loại bỏ điểm nhấn mạnh trong ý kiến kiểm toán và giúp cho ACV có thể chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE” - báo cáo phân tích của BVSC cho hay.
ACV vẫn là doanh nghiệp thống lĩnh trong hoạt động kinh doanh cảng hàng không và đang quản lý 22 cảng hàng không tại Việt Nam. Việc chuyển sàn được BVSC kỳ vọng sẽ giúp cổ phiếu ACV cải thiện thanh khoản, gia tăng tính minh bạch và có thể lọt vào danh mục của các quỹ đầu tư ETF cũng như các quỹ đầu tư khác.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, ACV đã phục vụ 37 triệu lượt khách trong nước, tương ứng với mức tăng trưởng 7,5%. Tuy nhiên, theo BVSC, mức tăng trưởng này dù có sự cải thiện nhẹ so với năm 2018 nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn tăng trưởng cao 2013 - 2016. Bên cạnh đó, lượt khách quốc tế cũng bắt đầu có những dấu hiệu tăng trưởng chững lại.
Tốc độ tăng trưởng của lượt khách du lịch giảm và tình trạng quá tải ở cảng hàng không Tân Sơn Nhất khiến công ty chứng khoán này không quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ACV./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu