Trong tham luận góp ý văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Đại hội XII), Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường cho rằng 30 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, như: đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; cung cấp đủ và vượt lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước; 10 mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu xếp thứ hạng cao trên thế giới gồm: gạo, hạt tiêu, hạt điều, cao su, cà phê, các sản phẩm về gỗ, thủy sản,… Biên giới, đất liền, biển đảo được giữ vững, an ninh chính trị, an toàn xã hội...
Thực tiễn nhiều năm qua đã chứng minh rằng: Nông dân, nông nghiệp, nông thôn đã trở thành “trụ đỡ” của kinh tế - xã hội trong những điều kiện và kể cả thời điểm khó khăn nhất.
Tuy nhiên, về địa vị, vai trò kinh tế của nông dân, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) và đô thị hóa. “Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp” - ông Cường bày tỏ.
Cùng với khó khăn của tiêu thụ nông sản, đã làm cho kinh tế nông nghiệp chững lại, giảm sút và kéo theo là việc nông dân không được quyền “định giá nông sản”... điều này đồng nghĩa với địa vị, vai trò kinh tế của nông dân giảm sút theo. Và dẫn tới thu nhập của nông dân cũng giảm, tạo ra tâm lý nông dân không muốn làm nông nghiệp.
Điều đáng nói, theo ông Cường, nông dân đang mất dần năng lực sáng tạo văn hóa, bị cuốn theo lợi ích vật chất. Lối sống thực dụng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, "sống chết mặc bay", đua theo lợi ích trước mắt mà buông lỏng vệ sinh an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. “Một bộ phận nông dân trẻ có lối sống đua đòi, hưởng thụ cao hơn lao động… và luôn mong muốn từ bỏ nguồn gốc “nông dân” của mình” - ông Cường lên tiếng tại Đại hội XII.
Bên lề Đại hội XII, trả lời báo chí về nhận định “nông nghiệp là “sân sau” của công nghiệp, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Cường nói thẳng: “Người ta còn lợi dụng nông nghiệp để làm ăn. Những biện pháp trợ giúp cho nông dân, tôi nói một việc cụ thể là trợ giá hoặc mua tạm trữ, nông dân không được gì cả, doanh nghiệp được hết, ở giữa họ “ăn chặn hết”. Trong khi Nhà nước thì có chính sách mục đích là giúp nông dân, mục đích là để cho nông dân lãi 30%. Được mùa rớt giá thì mua tạm trữ nhưng tất cả cái lợi đó vào túi doanh nghiệp hết”.
Về thực tế nông dân ngày càng chán làm ruộng, thích ly hương, ông Nguyễn Quốc Cường “mổ xẻ”: “Vì sao ngay cả chúng tôi đều không muốn con mình là nông dân. Vì sao có những bà mẹ nghèo, mò của bắt ốc nhưng mò cua để mong con đi học, đừng có làm nông dân như mình. Phải trả lời câu hỏi đó chứ? Vì nông dân khổ quá, yếu thế quá mà trách nhiệm lại to lớn quá. Trách nhiệm Đảng, Nhà nước phải lo, phải trả lời”.
Tham luận của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nêu rõ đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989-1990 xuống còn 14,2% những năm 2005-2010 và chỉ còn 6,12% đến 6,06% những năm 2012 - 2014.
Cùng với đó, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa trong 20 năm qua và những năm tới khả năng sẽ tiếp tục lấy đi đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng đất 2 lúa, đất ven trục lộ giao thông, đất ven đô thị…; việc “đào tạo nghề cho lao động nông thôn” chất lượng thấp, môi trường nông thôn xuống cấp nghiêm trọng..., dẫn đến nông dân thiếu việc làm, nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Cùng với đó, nông dân đang bị phân hóa giàu nghèo và xu thế ngày càng tăng. Trước đổi mới khoảng cách là 3,5 lần; đầu đổi mới 5,6 lần; hiện tại khoảng 10,2 lần.
Theo NLĐ