Samsung và Apple đứng đầu thế giới smartphone trong gần một thập kỷ nay, song những ai còn xa lạ với lịch sử ngành di động hẳn phải ngạc nhiên nếu nghe tên của 5 nhà sản xuất hàng đầu 7 năm về trước.
Thời điểm quý III/2011, Samsung mới bắt đầu vượt qua Apple, trong khi Nokia xếp thứ 3, HTC thứ 4 với 10% thị phần, tiếp đến là RIM (BlackBerry). Vì sao chúng ta lại nhắc về quá khức vào lúc này? Đó là vì Nokia và BlackBerry đã trở lại thần kỳ từ cõi chết dù còn nhiều việc phải làm, trong khi HTC vẫn đang chênh vênh hơn bao giờ hết.
Quá khứ huy hoàng của HTC
HTC Dream, thiết bị Android đầu tiên bán trên thị trường
HTC đang trải qua thời kỳ khó khăn. Thành lập năm 1997 với tư cách một nhà thiết kế và sản xuất laptop, công ty Đài Loan nhanh chóng “ngửi” thấy tiềm năng tăng trưởng trên thị trường smartphone. Sau vài thử nghiệm với Windows Mobile, HTC đóng vai trò quan trọng trong sự ra đời và phát triển của Android, kề vai cùng Google trên Dreamer (T-Mobile G1), tiếp đến là Nexus One. HTC Dream năm 2008 là smartphone Android thương mại đầu tiên, còn Evo 4G năm 2010 đi đầu trong kỷ nguyên di động tốc độ cao tại Mỹ.
Là một thành viên đồng sáng lập Open Handset Alliance, HTC nổi bật so với các hãng khác bởi con mắt nhìn sáng tạo, ý chí sẵn sàng mạo hiểm và có lẽ quan trọng hơn cả là mối quan hệ gần gũi với các nhà mạng lớn.
HTC sai ở đâu?
HTC First, chiếc điện thoại đáng quên của HTC
2011 là năm đỉnh cao của HTC nhưng đến cuối năm sau đó, công ty đã biến mất khỏi danh sách 7 nhà sản xuất smartphone hàng đầu. Evo 3D năm 2011 dường như chỉ là chiêu trò khoe mẽ, ChaCha “đạo” thiết kế của BlackBerry, trong khi HTC First “Facebook Phone” 2013 lại đi vào lịch sử với doanh số tệ hại, chỉ 15.000 máy.
Vào thời điểm HTC One ra mắt, thị trường đã đánh mất mọi niềm tin vào khả năng mang đến một thiết bị cao cấp, mạnh mẽ, có tính thực tiễn, hữu dụng của HTC. Đó là một điều đáng buồn với chiếc điện thoại tốt như HTC One, chưa kể đến chiến dịch quảng cáo tốn kém với sự góp mặt của siêu sao Robert Downey Jr. mà không mang lại hiệu quả tương xứng.
Nếu còn có ngày mai?
Chắc chắn, HTC vẫn còn hi vọng. Hãy nhớ lại vị trí của Huawei chỉ 3 hay 4 năm trước, nay họ đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Hoặc nhìn vào con đường gập ghềnh của Xiaomi. Sau khởi đầu ấn tượng, “hạt gạo nhỏ” gặp khó khăn năm 2016 để quay lại ấn tượng năm 2017 và đột nhiên trở thành thế lực không dễ đối phó trên toàn cầu.
Nokia cũng là ví dụ về một thương hiệu đã trải qua nhiều biến động trước khi trở về từ cõi chết và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nokia 3310 (2017) đến nay vẫn là một câu chuyện thành công đầy bất ngờ của ngành di động.
HTC có thể làm gì?
Trước tiên, công ty phải ra quyết định. Sau khi sa thải công nhân, đánh mất nhân tài cũng như các quan chức giàu kinh nghiệm, trao đổi kỹ sư và bằng sáng chế đổi lấy 1,1 tỷ USD của Google, sản xuất và tiếp thị điện thoại còn có ý nghĩa gì? Giải pháp thực tế nhất chính là đạt thỏa thuận cấp phép sử dụng thương hiệu, tương tự BlackBerry và Nokia làm với TCL và HMD Global.
Rõ ràng, thương hiệu HTC vẫn còn có giá trị nhưng những người ở lại đã cạn kiệt ý tưởng, thể hiện rõ nhất qua U12+ và U11+. Nếu HTC có thể tìm một cái tên tham vọng như HMD, sẵn sàng cứu vớt tên tuổi của mình trong mảng smartphone, bộ phận Vive VR có tiềm năng phát triển ổn định, khẳng định mình trong không gian thực tế ảo. Một công ty như TCL cũng có thể giúp HTC với kinh nghiệm sâu rộng trong xây dựng thương hiệu và bán lẻ, cộng với tiềm lực tài chính khủng cho các chiến dịch tiếp thị và phân phối.
Theo ICT News
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu