Những ngày qua, nỗi đau từ vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 5 người thiệt mạng ở Quốc lộ 5, đoạn qua địa phận huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) vào hôm 23/7 còn nhức nhối, thì sáng 27-7 lại có thêm thông tin, tại cầu Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh), một chiếc xe khách mất lái, đâm vào các phương tiện khác, khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương nặng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ cơ quan chức năng, chỉ riêng ở Quốc lộ 5, từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng làm 53 người chết, 32 người bị thương.
Những những con số trên chưa khiến chúng ta toát mồ hôi và rùng mình bởi nó vẫn quá nhỏ so với số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cung cấp. Theo đó, từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra gần 8.400 vụ TNGT, làm chết hơn 3.800 người, bị thương gần 6.400 người.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương ngày 23/7 khiến 5 người tử vong |
Như vậy, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có 18 người chết và 30 người bị thương do TNGT. Con số khủng khiếp này cho thấy, “cuộc chiến” trong lĩnh vực giao thông ở ta quả là tàn khốc và để lại hậu quả thật nặng nề!
TNGT đã khiến hàng nghìn gia đình ở Việt Nam vĩnh viễn mất đi người thân là trụ cột lao động. Hàng trăm đứa trẻ phải lâm cảnh mồ côi, thiếu đi các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc để phát triển toàn diện. Hậu quả nỗi đau do TNGT để lại nặng nề, kéo dài nhiều năm sau.
Khi đi tìm căn cốt của vấn đề, nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do người Việt Nam quá thiếu ý thức và kỹ năng khi tham gia giao thông. Tình trạng không tuân thủ quy định trong tham gia giao thông diễn ra rất phổ biến và phổ biến đến mức mà người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, công tác gọi giao thông Việt là “thương hiệu”, là “đặc sản”. Điều ấy thật chua chát!
Đối với người Việt Nam, việc tham gia giao thông thiếu kỷ luật nếu không muốn nói là quá dễ dãi, giống như những công việc đơn thuần hằng ngày đã trở thành một thói quen được cả xã hội chấp nhận mà nếu đi ngược lại sẽ vô cùng xấu hổ. Có thể nói, người Việt quá lạc quan tếu, chưa coi trọng tính mạng khi tham gia giao thông đã khiến cho TNGT ngày càng trầm trọng.
Bằng chứng là, dù chẳng có giấy phép lái xe, chẳng cần biết đến hiệu lệnh, biển báo giao thông; đặc biệt là dù chẳng biết gì về kỹ thuật của phương tiện một cách căn bản, nhưng người Việt vẫn có thể nhảy lên chiếc xe máy và phóng bạt mạng cho thỏa ham muốn “chinh phục tốc độ”.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh xảy ra vào 21h50 đêm 9/5 làm 3 người tử vong, 2 người bị thương. |
Do việc kiếm một chiếc giấy phép lái xe máy và ô tô ở Việt Nam quá dễ dàng đã khiến cho tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông tăng nhanh. Hơn nữa, do hạ tầng giao thông ngày càng mở rộng và tốt hơn nên TNGT xảy ra là tất yếu. TNGT càng nghiêm trọng hơn khi người điều khiển giao thông uống rượu bia, nghiện ma túy mà lực lượng chức năng chưa có khả năng kiểm soát vấn đề một cách hữu hiệu.
TNGT xảy ra có lỗi một phần do việc sản xuất phương tiện với chất lượng kỹ thuật chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, do công tác kiểm định phương tiện còn lỏng lẻo đã dẫn tới tình trạng chất lượng kỹ thuật của phương tiện tham gia giao thông không tốt. Những chiếc xe ô tô tải, ô tô khách, container... di chuyển trên các tuyến quốc lộ đã trở thành những “quan tài bay”, là “thần chết” có thể đến với mỗi người bất cứ lúc nào. Ám ảnh từ TNGT tăng nhanh nhất là ở các thời điểm như nghỉ lễ, tết trên các tuyến đường trọng điểm.
Trong mỗi dịp tổng kết, đánh giá về an toàn giao thông, nhiều người vẫn rất quen tai với cụm từ: “TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và bị thương”. Ấy nhưng, dư luận lại cho rằng, đó là những số liệu ảo, số liệu không trung thực và các vụ TNGT còn nhiều hơn thế.
Nguyên nhân là do áp lực thi đua, bệnh thành tích đã khiến nhiều cơ quan chức năng, địa phương sẵn sàng “báo cáo thiếu trung thực”, công bố số liệu TNGT xuống mức được biểu dương, được khen. Bằng chứng là, trong Kỳ họp Quốc hội thứ bảy (khóa XIV), đại biểu ngành y tế và công an tranh luận về số liệu các vụ việc TNGT vênh nhau, trong đó ngành công an thống kê thấp hơn ngành y tế. Điều này cho thấy, số liệu TNGT chưa phản ảnh thực tế tình hình.
Có thể nói, tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) ở nước ta diễn ra rất phức tạp, kéo dài từ nhiều năm qua mà các cấp, các ngành, các địa phương chưa có biện pháp căn cơ để khắc phục. Nổi bật hơn cả là tình trạng nhờn luật, chống lại lực lượng thi hành công vụ diễn ra khá phổ biến.
Để hạn chế TNGT, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là lực lượng chức năng cần tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý sai phạm triệt để, kiên quyết. Lực lượng chức năng cần đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ. Chừng nào những mánh khóe kiếm tiền từ người tham gia giao thông của lực lượng chức năng bị hạn chế, chừng nào pháp luật được thực thi triệt để, nghiêm túc thì mới hy vọng TNGT giảm thiểu.
Cạnh đó, các cơ quan truyền thông cũng cần kiên trì tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân về TNGT và chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông thì mới mong nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức tự giác cho người dân.
Quý trọng tính mạng của mình và người khác, không ngừng nâng cao ý thức tham gia giao thông chính là nền tảng để tạo nét đẹp văn hóa trong tham gia giao thông, là cái gốc để giảm TNGT ở toàn xã hội.