Cách đây vài năm, người ta thấy con cái một số quan chức lãnh đạo vừa mới ra trường, chưa lập được công trạng gì, cũng chẳng có thành tích đặc biệt xuất sắc nào, nhưng vẫn được “đôn” lên nắm các vị trí chủ chốt ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Có những cậu ấm, cô chiêu, khi bầu cử trượt ở cấp ủy địa phương, nhưng sau đó lại trúng cử ở... cấp cao hơn. Thực trạng đó ngày càng nhiều. “Anh” làm được, tại sao “Tôi” không được làm.
Khi những người năng lực chưa được kiểm chứng nắm giữ các chức vụ công một cách không minh bạch, thì có nghĩa là những hiền tài thực sự của đất nước vẫn bị gạt ra ngoài lề. Dù rằng, chưa biết việc “đặt con lên ghế” này có mang lại lợi ích bền vững, hay chỉ hại các “quý tử” bất tài, nhưng thiệt hại về lâu dài vẫn là nhân dân và đất nước, còn kẻ thủ lợi vừa “ăn cắp” các chức vụ công một cách nghiễm nhiên, vừa nhại theo giọng của thánh hiền rao giảng đạo đức cho đời. Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo chỉ là những ví dụ trong rất nhiều ví dụ điển hình về nạn “thái tử đỏ” kiểu này.
Việc “đưa trở về đúng vị trí năng lực xuất phát” đối với các con trai của các ông Vũ Huy Hoàng (đã bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương); Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Huỳnh Minh Chắc, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang và nhiều nhân vật khác đã, đang và sẽ bị gọi tên... là tín hiệu tích cực, nhằm ngăn chặn nạn “ăn cắp” chức vụ trong lĩnh vực công. Từ đó, các nhân tài thực sự có cơ hội để cống hiến cho đất nước. Nếu làm được triệt để vấn đề này sẽ tạo ra một bước ngoặt nói không với chủ nghĩa thân hữu và lối trao quyền “cha truyền, con nối” nhức nhối bấy lâu nay trong xã hội ta.
Chuyện “cha truyền con nối”
Thực ra thì chuyện “cha truyền con nối” không phải là chuyện lạ trên thế giới. Mỹ là nước có rất nhiều gia đình chính trị. Nổi tiếng nhất trong số đó là dòng họ Roosevelt, Adam, Harrison, Kennedy, Clinton và Bush. Gia đình 4 dòng họ Roosevelt, Adam, Harrison và Bush đều có hai đời Tổng thống. Như vậy, trong 44 Tổng thống nước Mỹ, đã có đến 8 người từ 4 gia đình đó. Argentina, một quốc gia ở Nam Mỹ, có cả chồng lẫn vợ làm Tổng thống là Néstor Kirchner (2003-2007) và Cristina Kirchner.
Ở châu Âu, hiện tượng gia đình chính trị không phổ biến như ở Mỹ. Tuy vậy, không phải là không có. Chẳng hạn ở Pháp ông bà François Hollande và Ségolène Royal. Ông là Tổng thống Pháp (15/5/2012 – 14/5/2017) và bà Ségolène Royal từng tranh cử chức Tổng thống (nhưng thất bại) và sau này làm Bộ trưởng Bộ Môi trường, Phát triển bền vững và Năng lượng, một trong ba vị trí quan trọng nhất trong chính phủ của ông Hollande. Ở Anh, trước đây, hai em David và Ed Miliband đều là bộ trưởng. Năm 2010, cả hai đều tranh chức lãnh đạo của Đảng Lao động nhưng người em, Ed, đã giành chiến thắng sít sao trong vòng cuối và người anh đã từ bỏ sự nghiệp chính trị.
Chuyện này ở châu Á cũng không phải không có. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là con trai của cựu Ngoại trưởng Shintaro Abe và là cháu ngoại của Thủ tướng Nobusuke Kishi (1957-1960). Thân phụ của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là Tổng thống Park Chung-hee (1962-1979). Thủ tướng Malaysia, Najib Razak, có cha là Thủ tướng Abdul Razak (1970-1976). Thân mẫu của cựu Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III, là Tổng thống Corazon Aquino (1986-1992). Cha của Thủ tướng Lý Hiển Long là Thủ tướng, rồi Bộ trưởng cao cấp và Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu của Singapore.
Ở Việt Nam chúng ta không có truyền thống như vậy, nhưng cũng đã từng có những cặp cha- con đều làm lãnh đạo. Ví dụ như cha con ông Đoàn Trọng Truyến- Đoàn Mạnh Giao đều từng làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Cha con ông Nguyễn Cơ Thạch- Phạm Bình Minh cũng vậy. Ông Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh là Phạm Văn Cương) từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao, Phó thủ tướng. Nay ông Phạm Bình Minh cũng vậy.
Những trường hợp vừa nói trên người dân Mỹ, Pháp, Anh, và các nước châu Á, cả ở Việt Nam chúng ta, người dân không những không xì xào, lời ra tiếng vào mà còn tỏ lòng kính trọng. Vì sao? Vì họ thực sự xứng đáng.
Tại những quốc gia dân chủ, minh bạch, ảnh hưởng gia thế không phải là một yếu tố quyết định. Thất bại của bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua trở thành Tổng thống là một ví dụ. Dù là vợ của một cựu Tổng thống có ảnh hưởng và được sự ủng hộ của nhiều người có thế lực ở Washington, bà Hillary không thể thắng ông Donald Trump. Ông Barack Obama, con của một người di dân da đen, đã làm nên lịch sử, trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, hoàn toàn do khả năng, cố gắng, tài năng của mình.
Tương tự người dân Hàn Quốc, Malaysia, Philippines hay Singapore cũng không thể than phiền rằng nhờ “con ông cháu cha”, lãnh đạo của họ mới lên nắm quyền. Chính họ đã dân chủ, tự nguyện bầu những người ấy vào các vị trí đó.
Bài học từ lịch sử
Trong lịch sử quan trường Việt Nam, mỗi triều đại xử lý việc này mỗi khác, nhưng xét phương pháp dụng nhân của lịch triều thì thấy đồng thời vẫn có hai đường: một là theo thế tập, hai là theo nhân tài.
Các triều Lý, Trần, Lê vẫn có lệ thừa ấm, hễ con các quan thì lại được bổ làm quan. Triều Nguyễn cũng có lệ tập ấm, phàm quan chính nhất phẩm thì còn được tập ấm theo hàng tùng lục, gọi là ấm thọ, đó là bậc cao nhất; còn bậc thấp nhất thì các quan tùng ngũ được một người con tập ấm gọi là ấm sinh.
Tuy vậy, việc tìm kiếm, tuyển chọn, bồi dưỡng đúng được người có tài, đức để ra làm quan phò dân, giúp nước, luôn là một ưu tiên trong lịch sử truyền thống của các triều đại Việt Nam.
Tệ nạn lạm dụng quan hệ quyền lực “con ông cháu cha” gây lũng đoạn hệ thống nhà nước, giúp tư lợi cá nhân, trên thực tế cũng đã luôn được nhiều triều đại trong quá khứ tìm cách hạn chế.
Các quan tại triều là những người giúp đỡ nhà vua mà đảm đương quốc sự. Các quan ngoại chức (tỉnh, phủ, huyện, châu) vâng mệnh thay mặt vua để cai trị nhân dân. Bởi thế nên các quan cũng như nhà vua, người dân thường gọi là cha mẹ dân, là hạng người có những đặc quyền xứng đáng với tư cách “dân chi phụ mẫu”. Quan không phải chịu thuế thân; ngoài tiền lương quan còn có tiền dưỡng liêm cấp cho các quan địa phương khi họ túng thiếu để họ khỏi nhũng lạm của dân.
Quan lại tuy nhiều đặc quyền song cũng không phải là ở trên pháp luật. Nhà vua sợ các quan lạm dụng những đặc quyền nên đã đặt ra nhiều điều lệ để chế tài các quan. Theo cuốn “Việt Nam Văn hóa Sử cương” của Đào Duy Anh (bản in 14/08/1938 ở Huế) thì thấy nhiều điều cấm kỵ hết sức thú vị. Ví dụ, cấm quan địa phương không được thụ nhiệm ở tỉnh nhà hay ở nơi cách nhà không đầy 500 dặm để cho thân thích bằng hữu khỏi cậy thế cậy thần mà làm càn. Cấm quan không được lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình nhà vợ nhũng nhiễu. Cấm không cho tậu ruộng vườn nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp bách kẻ trị hạ để mua rẻ. Cấm không được tư giao với đàn bà con gái trị hạt để đừng treo gương xấu cho nhân dân. Cấm quan lại hồi hưu lui tới cửa công để thỉnh thác cầu cạnh.
Thậm chí ở Triều Nguyễn không phải cứ xuất xứ quan quyền từ gia đình, dòng họ là có thể dễ dàng ra làm quan khi thiếu các phẩm chất được yêu cầu, kỳ vọng. Ngay như con cháu của vợ vua cũng không được làm quan. Điều này được ghi rõ trên Văn Thánh (bia ghi họ ngoại vua không được làm quan). Một thí dụ khá rõ ràng là con cháu bà Từ Dũ dù giỏi cỡ mấy, không ai được làm quan, chỉ được cho tiền rồi về ở nhà.
Ngoài ra nhiều điều khoản quy định trừng trị các quan hối lộ và nịch chức, nếu thi hành cho nghiêm mật cũng có thể tránh được những tệ tham quan ô lại làm cực khổ nhân dân.
Tóm lại, nhìn sang các nước văn minh, nhìn lại quá khứ và những việc mà cha ông ta đã làm, thì thấy rõ một điều, nguyên tắc chọn người để làm lãnh đạo cấp nào cũng thế, phải đảm bảo những nguyên tắc căn bản: Một là năng lực, hai là đạo đức, ba là kinh nghiệm, bốn rồi mới đến tuổi tác. Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng nhất là quá trình tuyển chọn hoặc bổ nhiệm phải được diễn ra một cách công khai, minh bạch, rõ ràng và công bằng.