Theo tìm hiểu PV, chỉ cần gõ chữ “hack nick Facebook”, trên mạng xã hội Facebook sẽ cho ra vô số kết qủa là các tài khoản, nhóm Facebook công khai và cả nhóm kín nhận làm loại dịch vụ hack nick, hack đọc trộm tin nhắn Facebook trái phép này.
Bên cạnh những tài khoản được lập từ cuối năm 2015, thì một số tài khoản được lập mới, có thời gian hoạt động chỉ từ vài tháng gần đây. Có nhóm, số lượng thành viên lên tới hàng nghìn người.
Tại nhóm công khai “Hack nick…”, thông tin mời chào dịch vụ hack nick, đọc trộm tin nhắn Facebook được đối tượng quản lý tài khoản này đưa ra dành cho vô số đối tượng: dành cho các bậc cha mẹ muốn quản lý con cái; một bạn trai thích một bạn gái muốn tìm hiểu tất cả những gì liên quan tới người con gái đó, những cuộc nói chuyện, chia sẻ, những mối quan hệ...; một người chồng muốn kiểm tra xem vợ mình có chung thủy hay không; tìm hiểu đối thủ trong lĩnh vực kinh doanh…
Tại tài khoản khác là “… Facebook 2016”, đối tượng làm dịch vụ còn tung ra cả bảng báo giá chi tiết với giá từ 50.000 – 100.000 đồng, nếu làm số lượng nhiều sẽ được giảm giá.
Quan sát của ICTnews cho thấy, cũng tại các tài khoản, nhóm Facebook nhận làm loại dịch vụ phi pháp nói trên, phần lớn đều nhận được vô số câu hỏi thăm dò liên quan cũng như nội dung “đặt hàng” làm dịch vụ.
Chỉ cần đặt vấn đề, ngay sau khi đối tượng nhận làm dịch vụ tiếp nhận, hai bên sẽ trao đổi riêng qua tin nhắn. Sau khi hack thành công, đối tượng làm dịch vụ sẽ chụp lại hình ảnh để chứng minh hack thành công, đề nghị chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc bằng mã số thẻ điện thoại rồi mới cung cấp mật khẩu của Facebook nạn nhân.
Việc các đối tượng làm loại dịch vụ phi pháp này hoạt động công khai ngay trên chính mạng xã hội Facebook đang gây ra hoang mang cho người dùng. Thực tế cũng đặt ra những vấn đề liên quan đến vấn đề bảo mật, chính sách xử lý của Facebook để bảo vệ người dùng, đồng thời đó còn là hoạt động “trảm” các tài khoản đang ngang nhiên công khai hoạt động, nhận làm loại dịch vụ phi pháp này.
PV đã liên lạc và đặt ra các câu hỏi liên quan tới đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam, tuy nhiên hiện phía Facebook chưa đưa ra bất cứ bình luận gì.
Báo giá cho từng... năm. Ảnh chụp màn hình. |
Theo các chuyên gia, trên thực tế dịch vụ hack nick đã xuất hiện từ vài năm nay, tuy nhiên ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Bên cạnh các cách như đề nghị cung cấp số nick Facebook nạn nhân, số điện thoại, email, địa chỉ… của nạn nhân, thì hiện nay các đối tượng làm dịch vụ phi pháp hack nick còn sử dụng cách thức phổ biến là lừa nạn nhân truy cập vào một trang web giả mạo để đăng nhập, điền mật khẩu, hoặc tinh vi hơn là lừa cài mã độc lên máy tính, cài Add-ons độc hại lên trình duyệt web.
Mới đây nhất, cuối tháng 5/2016 đại diện CyRadar cũng đã phát đi thông tin cảnh báo người dùng trong nước về chiêu lừa đảo mới đánh cắp mật khẩu Facebook thông qua lời mời chơi game, lừa nạn nhân truy cập vào 1 website có tên miền và giao diện gần giống với Facebook.
Để đảm bảo tài khoản Facebook trước các nguy cơ bị hack, người dùng cần lưu ý và thực hiện một số thao tác cơ bản để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc dự án bảo mật CyRadar đưa ra khuyến cáo người sử dụng cần cẩn trọng khi nhận được lời mời truy cập vào các website trên Facebook.
Nếu bấm vào đường dẫn nào đó mà được đưa tới các website có yêu cầu điền mật khẩu hoặc tải thêm plugin, tuyệt đối không thực hiện và cần đóng ngay cửa sổ trình duyệt lại.
Ngoài ra, người dùng cũng nên thiết lập tài khoản Facebook của mình có chế độ xác thực 2 bước (Facebook Two Factor Authentication) để tránh bị hacker chiếm quyền kiểm soát tài khoản.
Cụ thể, người dùng vào Settings -> Security -> Login Approvals để kích hoạt chế độ xác thực này.
Khi người dùng kích hoạt tính năng nhận thông báo khi đăng nhập của Facebook, mỗi khi có “người lạ” đăng nhập vào tài khoản của người dùng trên một thiết bị khác không tin cậy nào, Facebook sẽ thông báo ngay trên thanh thông báo, e-mail hay số điện thoại đăng ký, giúp người dùng hạn chế được nguy cơ bị hack nick.
Theo ICT News