Ông Doanh đua ra thông tin trên tại Hội thảo “Nhận diện nợ công ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn?
Theo TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) thì “cơ bản nợ công vẫn nằm trong giới hạn quy định”. Còn ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cũng khẳng định “chỉ số nợ công vẫn đang trong tầm kiểm soát”.
Ngược với sự lạc quan của các quan chức Bộ Tài chính, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, “nợ công của Việt nam hiện nay là cực kỳ nguy hiểm”. Ông Doanh dẫn chứng: “Theo số liệu được Chính phủ công bố, đến năm 2015, nợ công của Việt Nam đã lên tới 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với con số 1,3 triệu tỷ đồng vào năm 2011 (tăng 20%/năm), vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế, trong khi thu ngân sách gặp thách thức lớn do nhiều lý do (giá dầu thô giảm, thu từ bán đất chững lại…). Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế đều đồng loạt cảnh báo về nguy cơ nợ công tăng quá nhanh và việc trả nợ gặp khó khăn”.
Theo TS Lê Đăng Doanh thì, có những chỉ dấu cho thấy con số nợ công đã được công bố có thể còn chưa chính xác và đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Trước hết, theo quy chế về NSNN hiện nay, một số khoản thu chưa được hoạch toán vào NSNN như một phần trái phiếu chính phủ, một phần vốn ODA. Khoản nợ xây dựng cơ bản của các địa phương cũng chưa được tính vào. “Không thể nói là chỉ số nợ công vẫn đang trong tầm kiểm soát được.
Ngay cả ông Bộ trưởng Tài chính trước đây phải thốt lên trên diễn đàn Quốc hội: “Mấy năm nay, điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết”. Còn ông Bùi Quang Vinh, khi còn là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu đã ca thán rằng, với vẻn vẹn 45.000 tỷ đồng ngân sách còn lại sau khi trừ đi chi thường xuyên thì “không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”.
Nợ công của Việt Nam nguy hiểm hơn các nước khác
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì nợ công của Việt Nam hiện nay nguy hiểm hơn các nước khác nhiều. Ông Phong nói: “Nếu chúng ta nhìn rộng ra về nợ công, thì chúng ta thấy rằng, thực ra con số 65%, thậm chí là 100% không quan trọng, mà quan trọng là ở khả năng trả nợ, khả năng thu ngân sách, khả năng chi tiêu… So với các nước khác, thì nợ công của chúng ta còn nguy hiểm gấp đôi. Vì sao? EU họ cũng nợ công, nhưng họ có cộng đồng, có những nước mạnh như nước Đức, có IMF, có các tổ chức tài chính khác hỗ trợ cho nên họ vẫn điều chỉnh được. Mỹ cũng nợ công lớn nhưng họ có đồng đô la, có lượng dự trữ lớn, có uy tín, có thể chế. Nhật Bản cũng vậy. Hầu hết các nước khác cũng đều như vậy.
Tỉ lệ nợ công ở Việt Nam không phải là quá nguy hiểm, thế nhưng xét về khả năng trả nợ, uy tín thì Việt Nam thuộc diện tốp nguy hiểm. Bởi vì: Thứ nhất, dự trữ ngoại tệ của ta rất hiếm, rất mỏng. Thứ hai là, độ ổn định bền vững của kinh tế không lớn. Nguồn thu ngày càng hẹp lại. Tiếp nữa là sự lỏng lẻo trong cơ chế dẫn đến thất thoát quá lớn. Xử lý trách nhiệm nợ công không thật rõ ràng... Đấy là những lý do khiến cho nợ công của chúng ta nguy hiểm hơn nhiều nếu so với các nước khác. Ví dụ, nợ công ở Mỹ muốn tăng được phải do Quốc hội thông qua. Ở ta có khi tăng xong rồi thì QH mới được thông báo và buộc phải thông qua. Thứ 3 là, sự phân công, phân cấp và hiểu về nợ nó không thật đầy đủ, không những không đúng chuẩn thế giới mà trách nhiệm của người quản lý nợ cũng chưa được quy định, nếu không muốn nói là không phải chịu trách nhiệm gì. Ở các nước khác nếu ai gây ra nợ công sẽ bị chỉ đích danh và phải chịu trách nhiệm”
Nợ đầm đìa nhưng xài sang hơn cả Thủ tướng Nhật
Trong bài tham luận của mình, Cục trưởng Trương Hùng Long cho rằng, nếu không có vốn vay thì ngày nay chúng ta đâu có các loại máy bay hiện đại để đi. Nếu không có vốn vay thì lấy đâu ra những đại lộ, đường cao tốc hiện đại. Còn TS Lê Đăng Doanh thì nói: “Kỷ luật tài chính của chúng ta hiện nay hết sức lỏng lẻo. Không ít UBND xã nợ các quán nhậu cả trăm triệu cả năm không trả, phải mượn lương của công an để trả”.
Rồi ông Doanh kể: “Có lần một chuyên gia của Tổ chức JICA, cơ quan viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam, đã mới tôi và bà Phạm Chi Lan ăn tối. Vị chuyên gia này kể rằng, ông ấy vừa đi khảo sát ở tỉnh H, một trong những tỉnh nghèo nhất của phía Bắc. Buổi tối các quan chức tỉnh này mời ông ấy ăn tối để dụ ông ấy làm dự án đầu tư bằng nguồn vốn của Nhật Bản. “Tôi nhìn thấy mấy chai rượu, giá mỗi chai tới cả vài ngàn USD. Tôi bảo với họ là rượu đắt thế này, ở Nhật, Thủ tướng cũng không dám uống. Rồi ông nào cũng điện thoại cực sang. Có ông có cả Vertu giá tới cả gần nửa tỷ đồng Việt Nam”- ông ấy kể, rồi cười bảo tôi: “Việt Nam các ông giàu thế. Lý ra thì các ông phải viện trợ cho Nhật Bản chứ không phải Nhật Bản cần viện trợ cho các ông”.
“Những chi tiết này làm tôi nhớ lại một kỷ niệm với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau khi chiến tranh kết thúc, Thủ tướng đã đi thăm Thụy Điển để cảm ơn về sự ủng hộ, giúp đỡ của Thụy Điển và đề nghị bạn tiếp tục viện trợ và giúp đỡ nước ta.Khi về, Thủ tướng kể lại cho chúng tôi nghe về bữa ăn tối của nhà vua Thụy Điển dành riêng cho Thủ tướng. Bữa ăn chỉ có ba món: xúp, một ít xà lách, món chính là vịt trời mà nhà vua vừa đi săn được và món tráng miệng. Thủ tướng kể lại phải ăn hết các món thì mới đủ no”- ông Doanh nói.
Đâu là lối thoát?
Để từng bước khắc phục tình trạng này chúng ta cần phải làm gì? Đó là câu hỏi được nhiều diễn giả đặt ra.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Điều quan trọng nhất hiên nay là cần khẩn trương xây dựng báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội nói chung và cân đối NSNN nói riêng, bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật”, chỉ ra những nguyên nhân lâu dài và trực tiếp dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách ngày càng tăng, nợ công tăng lên nhanh chóng và nguy cơ vỡ nợ là hiện thực.
Về cân đối ngân sách, có thể sơ bộ xác định một số yếu tố như sau: bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp, kém hiệu quả, tiêu sài quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Chi thường xuyên quá cao, lên đến 70% tổng chi ngân sách, bao gồm những khoản chi lãng phí vượt quá tiêu chuẩn của NSNN như ăn nhậu, uống rượu tây đắt tiền, đi nước ngoài kém hiệu quả, lạm dụng chế độ về xe công… Chỉ riêng việc tập trung mua sắm công cũng có thể tiết kiệm được từ 10-17%, khoảng 30.000 tỷ/năm là một thí dụ.
Tính công khai minh bạch của ngân sách quá kém, chỉ được 18/100 điểm, xếp hạng chỉ cao hơn Campuchia và Trung Quốc. Đầu tư xây dựng cơ bản kém hiệu quả, lãng phí, tham nhũng lớn, tính công khai minh bạch thấp, không có chế độ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình
Vì vậy, cần xây dựng lộ trình tái cơ cấu NSNN với những bước đi đồng bộ tích hợp như tinh giảm bộ máy, thực hiện công khai minh bạch tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực, thực hiện trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân đối với chi tiêu công, đầu tư công, sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư công, mua sắm công, cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Thực hiện sự giám sát có hiệu lực của QH, HĐND đối với bộ máy hành pháp, tư pháp, chấm dứt tình trạng vượt dự toán ngân sách quá xa so với dự toán”.
Cuối cùng ông Doanh cũng khuyến cáo rằng, cần xây dựng phương án dự phòng với kịch bản xấu khi vỡ nợ, phải nhờ cậy vào các tổ chức tài chính quốc tế.