Những thương vụ thâu tóm của Apple trong năm 2018

Apple đã thực hiện hàng chục thương vụ sáp nhập đáng chú ý trong năm 2018, tạo tiền đề đầu tư vào các lĩnh vực như âm nhạc, tin tức, nghiên cứu dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Trong nhiều thống kê số liệu cuối năm, người ta thường không để ý đến những thương vụ sáp nhập của Apple. Bản thân hãng cũng hiếm khi xác nhận việc mua lại một công ty nào đó.

Thường phải sau một thời gian họ mới đưa ra nhận xét về tên tuổi đã thâu tóm và cũng không tiết lộ mục đích hay kế hoạch kinh doanh cụ thể. Giá trị chi tiết của các hợp đồng, thời gian thực hiện chúng cũng là điều được giấu kín.

Apple tiếp tục mở rộng kế hoạch kinh doanh thông qua những thương vụ sáp nhập. Ảnh: 9to5mac.

Dưới đây là những thương vụ thâu tóm đáng chú ý nhất của Apple trong năm 2018 vừa được tổng hợp bởi trang 9to5mac.

Buddybuild

Vào ngày 2/1, có thông tin cho rằng Apple đã mua lại dịch vụ phát triển ứng dụng Buddybuild. Đây là công ty có trụ sở tại Vancouver (Canada) chuyên phát triển công cụ để xây dựng ứng dụng trên iOS, bao gồm tính năng phản hồi của người dùng và một số nội dung khác.

Sau khi về với "Táo khuyết", Buddybuild đã gia nhập nhóm kỹ thuật Xcode để xây dựng các công cụ phát triển cho cộng đồng lập trình trên iOS. Mục tiêu của thương vụ này là thúc đẩy sự phát triển của Xcode.

Silicon Valley Data Science

Ngày 19/1, Bloomberg cho biết Apple đã thuê một nhóm các nhà khoa học dữ liệu đang làm việc tại công ty Silicon Valley Data Science. Startup này tập trung vào việc cung cấp các phân tích dữ liệu cho các công ty lớn, giúp họ đưa ra các báo cáo đầy đủ, chính xác về về quả hoạt động và mối quan hệ với khách hàng.

Mặc dù đây không phải là một thương vụ hoàn chỉnh, Apple đã thuê vài chục nhân viên của Silicon Valley Data Science, kể cả CEO của công ty. Theo những thành viên tại đây, Apple thuê họ tham gia nhiều phân tích khác nhau và các phát minh liên quan đến lĩnh vực quảng cáo.

Texture

Texture vẫn tiếp tục phát triển độc lập sau khi được Apple mua lại. Ảnh: 9to5mac.

Apple đã xác nhận việc mua lại Texture, một nhà phân phối tạp chí dưới dạng kĩ thuật số nổi tiếng, vào ngày 12/3. Tại thời điểm đó, Phó chủ tịch mảng Phần mềm Internet và Dịch vụ của Apple Eddy Cue cho biết tập đoàn cam kết nâng cao chất lượng nội dung từ các nguồn tin cậy và tạp chí này sẽ tiếp tục xuất bản những ấn phẩm chất lượng cao, thiết kế đẹp mắt.

Đây là một trong những thương vụ mua bán đáng chú ý nhất của Apple trong năm nay. Kể từ khi về tay chủ mới, Texture đã giảm giá thuê bao Premium xuống còn 10 USD/tháng và đóng cửa ứng dụng trên Windows.

Texture sẽ đóng vai trò quan trọng khi Apple News được tập trung phát triển. Theo tin đồn, Apple sẽ ra mắt dịch vụ cung cấp tin tức mới trong mùa xuân 2019, nhiều khả năng dịch vụ này sử dụng nền tảng Texture.

Akonia Holographics

Sau vài tháng trầm lắng, ngày 29/8 Reuters loan tin Apple mua lại công ty khởi nghiệp chuyên chế tạo ống kính cho các loại kính thực tế tăng cường (AR) có tên Akonia Holographics.

Được thành lập vào năm 2012, startup này nắm giữ khoảng 200 bằng sáng chế có liên quan đến công nghệ và màn hình cho kính thực tế tăng cường. Akonia Holographics đã gọi vốn được 11,6 triệu USD, không rõ Apple đã bỏ ra bao nhiêu tiền để thực hiện vụ thâu tóm.

Việc mua lại Akonia Holographics chỉ được xác nhận khi Apple công bố báo cáo về việc đang phát triển một phiên bản kính AR hoặc một thiết bị đeo nào đó. Gần đây tin tức về dự án này vẫn chưa có tiến triển, báo cáo ban đầu cho biết thời gian phát hành của sản phẩm dự kiến vào năm 2019 hoặc 2020.

Shazam

Shazam không còn quảng cáo sau khi về tay Apple. Ảnh: 9to5mac.

Thương vụ mua lại Shazam đã bắt đầu từ cuối năm 2017 nhưng đến ngày 24/9 mới hoàn tất do những lo ngại của châu Âu về vấn đề độc quyền. Trong thông cáo báo chí sau đó, Apple tuyên bố sẽ gỡ bỏ quảng cáo trên Shazam đối với tất cả người dùng.

Hiện tại chưa có động thái nào cho thấy Shazam được tích hợp sâu hơn vào iOS hoặc Apple Music. Điều này có thể xuất hiện trong tương lai gần vì đội ngũ các nhà phát triển của ứng dụng tìm kiếm nhạc vẫn tiếp tục làm việc cho Apple sau khi thương vụ hoàn tất.

Spektral

Cũng là một thỏa thuận kéo dài trong 2 năm, mãi đến ngày 10/10 Apple mới hoàn tất việc mua lại Spektral, một công ty khởi nghiệp Đan Mạch chuyên thiết kế phần mềm tách ảnh ra khỏi hình ảnh hoặc video gốc.

Công nghệ của Spektral rất cân thiết cho những ứng dụng của Apple. Ảnh: 9to5mac.

Các nguồn tin cho rằng Apple đã chi 30 triệu USD cho thương vụ này. Có nhiều lý do để hãng quan tâm đến startup non trẻ đến từ Bắc Âu. Với công nghệ của Spektral, Apple có thể ứng dụng vào camera trên iOS cũng như các tính năng trong phần mềm Clips, Final Cut Pro và iMovie của mình.

Dialog

Vào tháng 10, Apple tiếp tục thực hiện một thương vụ sáp nhập không hoàn toàn. Họ trả 300 triệu USD cho Dialog, một công ty sản xuất linh kiện bán dẫn nắm trong chuỗi cung ứng linh kiện của họ nhiều năm qua, để đổi lấy quyền sử dụng các bằng sáng chế.

Trong 3 năm tiếp theo, Apple tiếp tục trả thêm 300 triệu USD thông qua các đơn hàng linh kiện. Hãng này cũng thuê khoảng 300 nhân viên của Dialog làm việc tại các dự án sản xuất chip. Dự kiến thỏa thuận này sẽ chính thức hoàn tất trong năm 2019.

Asaii

Tương tự trường hợp của Dialog, ngày 15/10 xuất hiện thông tin Apple sẽ tiến hành thâu tóm Asaii, tuy nhiên cuối cùng hãng lại chọn phương án thuê nhà sáng lập của công ty này.

Asaii là sự bổ sung hữu ích đối với dự án phát triển Apple Music. Ảnh: 9to5mac.

Asaii hoạt động trên lĩnh vực phân tích thị trường âm nhạc, họ tuyên bố có khả năng phát hiện nghệ sĩ chuẩn bị nổi tiếng trước thời điểm họ có mặt trên các bảng xếp hạng hơn 2 tháng.

Với việc Apple đang tập trung cho mảng Music và chú trọng phát hiện các ca sĩ mới, công nghệ của Asaii là một yếu tố rất cần thiết.

Silk Labs

Ngày 20/11, trang tin The Information cho biết Apple đã đạt được thỏa thuận mua lại Silk Labs, một startup phát triển phần mềm tích hợp trí tuệ nhân tạo phù hợp với các thiết bị tiêu dùng, chẳng hạn như máy ảnh và thiết bị thông minh trong gia đình.

Apple đã bắt đầu tìm hiểu startup này từ đầu năm nhưng mãi đến tháng 11 thương vụ mới hoàn tất.

Silk Labs được thành lập vào năm 2015 bởi 3 nhân viên cũ của Mozilla. Mục tiêu phát triển của công ty là tạo ra những phần mềm tích hợp AI đồng thời bảo vệ tối đa quyền riêng tư của người dùng.

Platoon

Platoon là thương vụ mua bán, sáp nhập cuối cùng của Apple trong năm 2018. Startup này thỏa thuận trực tiếp với các nghệ sĩ để phân phối nhạc của họ đến người nghe. Vì vậy những nghệ sỹ mới, hoặc tài năng âm nhạc trẻ có thể được mọi người biết đến mà không tốn quá nhiều chi phí quảng bá.

Platoon là tên tuổi cuối cùng về với Apple trong năm 2018. Ảnh: AI.

Ứng dụng này cũng có hệ thống để phân tích nhằm đưa các nội dung, thể loại nhạc phù hợp đối tượng.

Tổng kết

Như vậy, trong năm 2018 Apple đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán đáng chú ý. Phần lớn các thỏa thuận không được công khai chi tiết cũng như các kế hoạch phát triển tiếp theo.

Đa số những công ty Apple mua lại là các startup mới nổi, quy mô nhỏ nhưng lại có những ý tưởng và công nghệ táo bạo, có tiềm năng lớn trong tương lai. Một số thương vụ mang tính bước ngoặc như mua lại Texture, Shazam, cũng như thỏa thuận trị giá 600 triệu USD với Dialog. Các thương vụ nhỏ hơn cũng thể hiện sự quan tâm của Apple đến lĩnh vực phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác.

Theo Zing

http://news.zing.vn/nhung-thuong-vu-thau-tom-cua-apple-trong-nam-2018-post902840.html