Trong một khoảng thời gian, những nhân vật này đã khiến cả cộng đồng chú ý nhưng điều gì đã xảy ra với họ sau khi người chụp ảnh rời đi? Hãy cùng gặp gỡ ba gương mặt trong ba bức ảnh nổi tiếng về người nhập cư châu Âu trong năm 2015.
Laith Majid: ảnh chụp ngày 15/8/2015
“Tôi mong rằng mình sẽ không phải nhìn thấy bức ảnh này một lần nữa”, ông Laith Majid cho biết. Bức ảnh này ghi lại khoảnh khắc ông vừa đặt chân tới đảo Kos của Hy Lạp cùng gia đình và trở thành biểu tượng của sự đau khổ cực độ của rất nhiều người tị nạn phải đối mặt trên đường đi tới châu Âu.
Majid tỏ vẻ suy sụp khi phóng viên BBC cho ông xem lại bức ảnh này. “Nó khiến tôi nhớ lại nỗi buồn khổ và chịu đựng mà mình trải qua cùng với vợ và các con khi chúng tôi phải đối mặt với cái chết đến rất gần”.
Nước mắt ông bắt đầu rơi khi Majid miêu tả điều gì đã xảy ra trên một chiếc xuồng nhỏ bốn tháng trước. Ông kể lại: “Đó là mùi quen thuộc của sự chết chóc. Nó không thể miêu tả được, thực sự quá sức chịu đựng. Mọi người cứ chết dần, chúng tôi cũng chìm dần, ai cũng cảm thấy yếu ớt. Tôi nghĩ rằng mình sẽ chết chìm cùng bọn trẻ”.
Nỗi đau, sự giải thoát và nỗi sợ hãi tột cùng đều hiển hiện trên khuôn mặt của ông trong bức ảnh “để đời”. Thậm chí cho đến bây giờ, khi gia đình ông đã sống ở Đức, vợ của ông Neda cho biết mọi người vẫn nhận ra ông. Đó quả là một bức ảnh có hiệu ứng cực kỳ mạnh.
“Tất cả mọi nơi chúng tôi đến, họ đều nói với anh ấy rằng, chúng tôi vẫn nhớ anh, anh là người trong bức ảnh, chúng tôi hy vọng anh được an toàn, được hạnh phúc”, bà Neda nói.
Sự chú ý này đã khiến ông Laith rất ngạc nhiên: “Tôi không nghĩ rằng bức ảnh đó có thể thu hút được sự cảm thông của tất cả người Đức và những người bạn trên thế giới. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được kết bạn với nhiều người từ khắp mọi nơi”.
Họ có bốn người con, đứa nhỏ tuổi nhất cho đến nay vẫn không thể ngủ ngon mỗi đêm và vẫn thường bị ám ảnh bởi những con sóng biển cũng như các cảnh bạo lực mà chúng phải chứng kiến ở quê nhà. Truyền thông miêu tả gia đình Majid là người Syria bởi những người khác trên thuyền đều là người Syria, tuy nhiên họ là người gốc Sunnis ở Iraq. Ông Laith làm thợ cơ khí và có một tiệm sửa chữa riêng, trong khi bà Neda là một giáo viên, cả hai đều cảm thấy họ không còn sự lựa chọn nào khác là rời Baghdad khi các nhóm đầu gấu đe dọa họ.
“Họ muốn bắt cóc con chúng tôi. Tôi sẵn sàng trả gấp đôi để các con tôi được an toàn”, ông Laith nói.
Bà Neda cho biết họ đã phải trả 3.615 USD để bọn đầu gấu bỏ đi. “Nhưng chúng không đi, chúng lại quay trở lại đòi tiền, nếu không cho chúng sẽ đốt nhà tôi, đe dọa giết chồng và bắt cóc các con tôi. Giờ khi đã ở Đức, tôi cảm thấy rất an toàn và mọi người đối xử với chúng tôi rất tốt”, bà nói.
Gia đình ông Laith đang sống trong một doanh trại quân đội cũ cùng hàng trăm người tị nạn và nhập cư khác, mỗi gia đình có một phòng riêng. Mẹ của ông vẫn còn ở Iraq. Ông Laith cũng muốn đem mẹ tới đây vì lo lắng cho sự an toàn của bà. Nhưng giấy tờ của gia đình ông làm vẫn chưa được thông qua. Họ lo lắng rằng đơn xin tị nạn của mình sẽ bị từ chối và phải quay trở về Iraq. “Chúng tôi cũng không còn lựa chọn nào khác, nếu Đức từ chối thì gia đình tôi sẽ phải về Iraq”, ông nói.
Ossama Abdul Mohsen: ảnh chụp ngày 8/9/2015
“Giờ tôi đã quên hết tai nạn đó và đang tìm kiếm một tương lai mới cho gia đình và con trai tôi mặc dù lúc trước tôi đã cực kỳ tức giận”, ông Ossama Abdul Mohsen cho biết.
Vị huấn luyện viên bóng đá người Syria này mang theo con trai Zaid của mình rời khỏi sở cảnh sát tại biên giới Hungary và bất ngờ bị một nữ quay phim ngáng chân khiến cả hai cha con ông ngã xuống đất. Hành động này bị cho là cố ý nhưng nữ quay phim trên sau đó đã xin lỗi và nói rằng làm như vậy là để tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, đoạn phim do một nhà báo người Đức ghi lại toàn bộ hành động này đã gây “bão” trên mạng.
Tại thời điểm đó, ông Ossama nói rằng mình sẽ không bao giờ tha thứ cho người phụ nữ đã ngáng chân mình nhưng giờ đây ông đã thay đổi suy nghĩ. Trong khi nữ quay phim trên đã mất việc thì ông Ossama lại nhận được một vị trí trong một câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha cùng một căn hộ để sinh sống.
Cha con ông Ossama Abdul Mohsen bị phóng viên Hungary ngáng chân. |
Đội bóng Real Madrid thậm chí còn mời ông và con trai tới một trận bóng, cậu bé Zaid đã được ra sân cùng với cầu thủ nổi tiếng Cristiano Ronaldo. “Nó giống như một giấc mơ thành hiện thực vậy. Sau trận bóng, Ronaldo còn trao cho con trai tôi chiếc áo thi đấu với chữ ký trên đó”.
Trong khi ông Ossama đang xây dựng một cuộc sống mới ở Madrid cùng hai con trai thì vợ và hai con khác của ông vẫn bị mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông hy vọng giới chức Tây Ban Nha sẽ sớm chấp nhận đơn xin tị nạn của họ.
Đối với ông, điểm khác biệt lớn nhất ở châu Âu là sự tự do: “Sự tự do cả trong suy nghĩ, một sự tự do được bộc lộ ra ngoài. Được làm một người tự do là một cảm giác rất xúc động. Tôi rất ngạc nhiên vì sự chào đón nồng ấm của người Tây Ban Nha. Họ đều muốn đưa ra lời khuyên và hỗ trợ chúng tôi. Đây là một sự thay đổi lớn đối với tôi”.
Mohammad Zatareyh: ảnh chụp ngày 4/9/2015
Vào tháng 9, Mohammad Zatareyh và hàng nghìn người khác bị mắc kẹt tại nhà ga tàu hỏa Keleti ở Budapest khi Hungary cố gắng chặn người nhập cư tràn vào nước này. “Sau khi chịu đựng bốn ngày liên tiếp, tôi đã có một kế hoạch và tôi phải bước tiếp”,Zatareyh nói.
Chàng trai 26 tuổi người Syria này đã thuyết phục được khoảng 1.000 người rời ga tàu để đi bộ 180 km về phía nước Áo. Zatareyh nhớ lại: “Tôi bảo với họ rằng đừng có sợ. Chúng ta có thể đi bộ 8 tiếng ngày hôm nay và 8 tiếng ngày hôm sau, chúng ta sẽ dừng lại bất cứ khi nào thấy mệt”.
Mohammad Zatareyh kêu gọi mọi người đi bộ tới nước Áo. |
Zatareyh cũng mời ba người trong đoàn quay phim đi cùng với họ: “Tôi nghĩ rằng cảnh sát hay chính phủ, họ có thể thấy đau lòng khi nhìn thấy chúng tôi trên TV”.
Cảnh tượng này đã lan tỏa khắp thế giới, thể hiện được thực chất của cuộc khủng hoảng mà châu Âu đang phải đối mặt. Cuối cùng, Hungary đã mềm lòng và gửi xe bus tới để đưa những người tị nạn qua biên giới tiếp tục hành trình của họ.
Mohammad giờ sống ở Đức, chờ các giấy tờ cần thiết để được đi làm và bắt đầu một cuộc sống mới. Mặc dù thái độ dành cho những người tị nạn ở đây đã phần nào thay đổi nhưng Mohammad nghĩ rằng Đức sẽ không thay đổi chính sách của mình. “Họ cần thêm người trong độ tuổi lao động vì nhiều người dân Đức đã quá già. Đức muốn mọi người làm việc và tôi cũng muốn xây dựng tương lai của mình ở đây, có một công việc, có nhà và kết hôn. Tôi nghĩ rằng đây là một nơi tốt để bắt đầu cuộc sống, đây thực sự là một đất nước tốt đẹp”, anh nói.
Mohammad cũng luôn mơ được du lịch tới Đức. “Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi rất muốn tới Đức bởi tôi rất thích ô tô, đặc biệt là BMW và Mercedes. Tôi chỉ mong muốn được một lần tới thăm các nhà máy đó”, anh nói.
Mohammad vẫn nhớ lại khoảnh khắc trong bức ảnh với một thái độ tự hào. Anh cho biết: “Bức ảnh này có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ cho con cháu mình xem lại. Tôi sẽ cho chúng thấy ba của chúng đã làm gì và tôi chắc rằng bọn trẻ cũng sẽ cảm thấy tự hào”.
Theo BBC, Infonet