Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC):

Những người chỉ đạo nhận thù lao thì không thể đảm bảo sự minh bạch khi chọn SGK

VietTimes -- Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chính thức lên tiếng về việc liên kết với Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh để xuất bản sách giáo khoa (SGK). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Để rộng đường dư luận, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trần Ái – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC).
Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC).
Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC).

+ Ông đánh giá thế nào về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành lập Ban biên soạn bộ SGK miền Nam và chi thù lao hàng tháng cho các cán bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh?

- Theo tôi, việc này khiến ai cũng cho rằng quá trình chọn lựa SGK là không thể công bằng. Bởi lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã nhận thù lao liên tục trong 4 năm với tổng số tiền lên tới gần 3 tỷ để tham gia biên soạn bộ SGK miền Nam.

Theo Thông tư của Bộ GD&ĐT, những người tham gia biên soạn SGK không tham gia thẩm định SGK. Vì thế, việc các lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh tham gia vào Ban chỉ đạo biên soạn SGK là không được. Không chỉ vậy, những người chỉ đạo mà lại nhận thù lao thì không thể đảm bảo sự công khai, minh bạch khi chọn SGK.

Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái
Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái

Thực sự tôi cảm thấy buồn khi một thành phố văn minh, hiện đại, đông dân nhất cả nước lại để xảy ra sự việc như vậy. Làm sao các nhà xuất bản khác có thể sống được khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao hàng tháng, thành lập Ban chỉ đạo biên soạn SGK? Hơn nữa, nếu không ai mua sách thì nhà xuất bản sẽ không có tiền để tái sản xuất.  

+ Nhiều ý kiến cho rằng việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng ý đề nghị của Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Gia Định đưa khoản chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh làm kinh phí biên soạn SGK có thể làm SGK bị “đội giá”. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?  

- Về mặt kinh tế, việc đưa khoản thù lao chi cho Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh làm kinh phí biên soạn SGk có thể làm giá thành của sách tăng cao, học sinh sẽ là đối tượng phải gánh chịu trực tiếp. Nhìn ở một góc độ khác, giá SGK hiện hành sẽ cao hơn sách cũ bởi sách mới giấy in 4 màu, khổ lớn hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, giá thành của SGK còn phụ thuộc vào quy định của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT.

 
Sách giáo khoa lớp 1
Sách giáo khoa lớp 1

 + Được biết, hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VEPIC, vậy vốn đầu tư của Công ty được lấy từ đâu, thưa ông?

- Vốn đầu tư của Công ty VEPIC do các cổ đông đóng góp, hầu hết là của những cán bộ ở Nhà xuất bản đã về hưu, các thầy giáo, các tác giả. Những đơn vị của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm các công ty con, công ty thành viên có góp vốn vào Công ty VEPIC.

+ Công ty VEPIC có bị chi phối bởi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không thưa ông?

- Công ty VEPIC không phải là đơn vị của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nên không bị chi phối. Công ty có khoảng 15-20% vốn đầu tư từ những công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 80% là vốn ở nơi khác. Nếu số vốn của nhà xuất bản đầu tư vào công ty là 51% thì Nhà xuất bản mới có thể nắm quyền chi phối. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp cũng đã quy định Công ty có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau.

+Cảm ơn ông!

Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK Giáo dục phổ thông đã nêu rõ: SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học.

Bộ GD&ĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.