Boombox
Khi nói về đồ công nghệ vào thập niên 80 của thế kỷ trước, không thể không nói đến Boombox – máy nghe nhạc có loa hai bên khá lớn có khả năng chơi nhạc qua băng cát-xét, đĩa CD hay radio. Hệ thống loa của Boombox có khả năng phát âm bass cường độ lớn.
Windows 2.0
Ra mắt ngày 9/12/1987, hệ điều hành Microsoft Windows 2.0 giới thiệu một loạt các ý tưởng được ưa thích cho máy vi tính. Đây là phiên bản Windows đầu tiên cho phép đặt chồng các cửa sổ ứng dụng, có biểu tượng trên desktop và đồ họa VGA (16 màu).
Apple IIGS
Đúng ra, mẫu máy tính Apple IIGS ra mắt vào cuối năm 1986, nhưng không thể phủ nhận đây là mẫu máy vi tính được ưa chuộng nhất của Apple năm 1987. Đây là mẫu máy tính đầu tiên của Apple có giao diện màu và được trang bị chip tổng hợp sóng âm thanh. Giá của mẫu máy này khi ấy là 999 USD – mẫu máy Apple Macintosh ra mắt vài năm sau có giá 2.495 USD.
Laptop đầu tiên của IBM
Trong khi đó, những người thích máy tính truyền thống thì đang thèm muốn mẫu laptop đầu tiên của IBM –IBM PC Convertible (model 5140). Mẫu máy tính xách tay nặng gần 6kg này được trang bị vi xử lý Intel 8088 CPU (4.77 MHz), RAM 256KB, hai ổ đĩa mềm 3.5-inch, pin 2.400mAh NiCd, màn hình có thể tháo rời với độ phân giải 640 x 200 pixel và hiển thị được một màu sắc... Quan trọng nhất, mẫu máy này ... không có ổ cứng. Do giá quá cao, lên đến 2.000 USD, doanh số bán ra của mẫu máy này khá èo uột.
Zelda II – Trò chơi điện tử được ưa thích nhất năm 1987
Trò chơi điện tử được bán chạy nhất năm 1987 là “Zelda II: The Adventure of Link” dành cho hệ thống “Nintendo Entertainment System”. Mặc dù đây là tựa game nổi tiếng năm 1987, nhưng ngày nay Zelda II bị coi là một trong những phần kém nhất mà Zelda từng làm.
Robot giúp việc nhà
Phần lớn những mẫu robot giúp việc nhà trong những năm 1980 không hơn gì là những món đồ chơi được lập trình. Mẫu robot phát băng cát-xét Tomy Omnibot 2000 này không có hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhưng có điều khiển từ xa, báo thức, có khả năng phát nhạc và cánh tay máy đủ khỏe để bê một khay đồ uống.
Xe năng lượng mặt trời đầu tiên của General Motors
Năm 1987 đánh dấu việc ra mắt của sự kiện “World Solar Challenge”, giải đua ô tô chạy năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới. Giành giải nhất là mẫu xe Sunraycer của General Motors, với 8.800 tấm pin mặt trời cho phép tạo năng lượng lên tới 1.500W giúp xe đạt tốc độ tối đa khoảng 110km/h. Giá thành chế tạo của Sunraycer là hơn 2 triệu USD theo thời điểm năm 1987 (khoảng 4,3 triệu USD hiện nay).
Máy nhắn tin Motorola PMR 2000
Mặc dù hệ thống nhắn tin đã có mặt từ năm 1949, nhưng bước đột phá quan trọng của ngành này diễn ra với việc ra mắt Motorola PMR 2000. Mẫu máy nhận tin nhắn cá nhân này cho phép truyền các đoạn tin nhắn thông qua dịch vụ SkyTel với tối đã 1.950 ký tự, và hiển thị 32 ký tự trên màn hình mỗi lần. Trước đó, các mẫu máy nhắn tin cao cấp chỉ có thể hiển thị số điện thoại để gọi lại.
Điện thoại di động “bỏ túi” M2 Pocket Phone
Mẫu điện thoại M2 Pocket Phone của Excell Communications là một trong những thiết bị liên lạc di động đắt tiền. Mẫu điện thoại di động đầu tiên đủ nhỏ để bỏ vào túi này có giá không hề rẻ - giá một chiếc máy điện thoại này lên đến 2.500 bảng Anh, hoặc khoảng 3.750 USD.
Máy ảnh kỹ thuật số Canon RC-760
Năm 1987, USA Today trở thành tờ báo đầu tiên của Mỹ đăng ảnh kỹ thuật số trên trang bìa của mình. Mặc dù tấm ảnh đó được chụp bằng mẫu máy cũ hơn, RC-701, nhưng phần lớn các phóng viên tại Mỹ năm 1987 đã được trang bị mẫu máy ảnh Canon RC-760 với độ phân giải 600.000 pixel. Nhờ hệ thống máy ảnh kỹ thuật số, hình ảnh được chuyển từ bờ tây nước Mỹ sang bờ đông nước Mỹ chỉ trong vài phút. Canon RC-760 có giá bán 5.500 USD.
Máy quay phim Fisher-Price PXL-2000
Máy quay phim Fisher-Price PXL-2000 là một trong những món đồ công nghệ hấp dẫn nhất năm 1987. Mẫu máy quay này cho phép quay những đoạn video đen trắng với ... băng cát-xét tiêu chuẩn với độ dài 90 phút âm thanh.
Adobe Illustrator 1.0
Năm 1987 là một năm quan trọng đối với Adobe khi hãng phần mềm ra mắt phiên bản 1.0 của phần mềm Adobe Illustrator dành cho máy Apple Macintosh. Trong khi đó, phải mãi đến tháng 2/1990, Adobe Photoshop mới ra đời.
Đĩa laser có thể ghi và xóa
Pioneer từng đặt nhiều hy vọng vào việc phát triển đĩa laser có khả năng ghi và xóa. Đĩa CD và DVD có khả năng ghi và xóa xuất hiện một cách rộng rãi vào khoảng một thập kỷ sau, còn ở năm 1987 thì chiếc đĩa laser ghi và xóa của Pioneer lại quá đắt và quá lớn nên không dành được sự quan tâm của khách hàng.