Công nghệ Vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT) là một trong những xu hướng mấu chốt của tương lai. Đến nay, đã có 15 tỷ thiết bị được kết nối kỹ thuật số với nhau và giới chuyên gia dự đoán con số này sẽ là 50 tỷ thiết bị vào năm 2020.
Những thiết bị này không chỉ là máy tính, máy tính bảng và điện thoạt thông minh (smartphone) mà còn bao gồm cả những sản phẩm đeo tay (wearable), hàng điện tử tiêu dùng và những phương tiện mà chúng ta đang sử dụng.
Dù xu hướng này đang tạo cho người tiêu dùng sự thuận tiện, nhưng nó cũng đặt ra cho một loạt các khó khăn cho các công ty tái chế rác thải.
Ông Jonathan Perry, một cố vấn của nhà sản xuất máy vi tính Dell, cho biết khi thiết kế các sản phẩm, Dell đã cân nhắc đến khả năng có thể tái chế và sửa chữa. Cụ thể, pin máy tính xách tay (laptop) của Dell có thể được tháo rời dễ dàng và họ cũng sử dụng nhựa được tái chế từ các thiết bị điện tử.
Các chuyên gia của Dell cũng xem xét các thiết kế của tương lai, cũng như các công nghệ tài chế để đảm bảo rằng các sản phẩm của họ có khả năng tái chế cao.
Nhưng bên cạnh đó vẫn có những chất liệu và phụ gia khác gây đau đầu cho các công ty và nhà tái chế. Hơn nữa, hầu như chưa có nghiên cứu nào được thực hiện đối với các loại chất liệu mới này để xem chúng sẽ phản ứng như thế nào trong quá trình tái chế thông thường.
Một số loại chất liệu và phụ gia mới có thể gây nguy hiểm đối với môi trường, cũng như sức khỏe và an toàn nghề nghiệp nếu không được xử lý cẩn thận. Hơn nữa, các công ty tái chế thường rất khó hay thậm chí là không thể biết được sản phẩm nào có phụ gia cần phải xử lý đặc biệt, vì những phụ gia này đôi khi là bí mật kinh doanh.
Từ khía cạnh thương mại, những năm tới đây có thể vẫn tồn tại nhiều thách thức đối với các công ty và nhà tái chế, trước những xu hướng nổi bật như việc cắt giảm kích thước các thiết bị điện tử, kéo dài tuổi thọ của chúng và xu hướng tiến tới nền kinh tế chia sẻ.
Đặc biệt, ở các thành phố lớn, ý tưởng chia sẻ đang trở nên ngày càng phổ biến hơn. Không phải gia đình nào cũng cần đến tất cả các công cụ và thiết bị mà mình có và đôi khi chỉ dùng đến chúng một vài lần trong một năm.
Dù kinh tế chia sẻ là một ý tưởng hay, nhưng điều đó cũng có mặt tiêu cực đối với các công ty tái chế, vì xu hướng này làm giảm số lượng các thiết bị mới cần được sản xuất và vì thế mà làm giảm cả khối lượng các thiết bị đến lúc cần được tái chế.
Vì vậy, các công ty tái chế một lần nữa cần định vị lại bản thân để duy trì khả năng cạnh tranh. Ông Norbert Zonneveld, Thư ký điều hành của Hiệp hội các nhà tái chế điện tử châu Âu (EERA), cho rằng trước hết, các công ty này cần đưa ra lựa chọn chiến lược trong việc tiết kiệm chi phí, đổi mới, chuyên môn hóa và quốc tế hóa.
Giải pháp đối với mỗi loại hoạt động xử lý rác thải điện tử khác nhau là khác nhau, trong đó nhiều công ty và nhà tái chế đã và đang nghiên cứu các mô hình kinh doanh ít chịu tác động bởi những thay đổi trong tương lai.
Nhưng những mô hình này vẫn sẽ ẩn chứa những bất ổn, do những khác biệt trong việc thực hiện các quy định về xử lý rác thải trên khắp châu Âu và cả những khó khăn trong việc thi hành các quy định này./.