Những công việc mà AI không thể thay thế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – AI khó có thể thay thế được những công việc đòi hỏi kỹ năng của con người như khả năng phán đoán, sáng tạo, sự khéo léo về thể chất và trí tuệ cảm xúc.

Những công việc mà AI không thể thay thế

Theo khảo sát "Báo cáo tương lai việc làm" thực hiện năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, mức tăng trưởng việc làm lớn nhất trong giai đoạn 2023-2027 sẽ thuộc về các ngành Vận hành thiết bị nông nghiệp, Tài xế xe tải hạng nặng và xe buýt, Giáo viên dạy nghề, Thợ cơ khí và sửa chữa máy móc.

Điều này cho thấy một trong những lợi thế lớn nhất của bộ não con người so với Trí tuệ nhân tạo (AI) là nó được gắn vào cơ thể người thật. Thật vậy, sự lo ngại rằng công việc đòi hỏi thể chất và thủ công có thể bị máy móc thay thế đã giảm đi. Các công ty được khảo sát trong báo cáo đã điều chỉnh giảm ước tính của họ về khả năng tự động hóa các công việc mà con người đang đảm nhiệm – họ cho rằng 42% nhiệm vụ có thể được tự động hóa vào năm 2027, so với dự đoán trước đó (trong Báo cáo tương lai việc làm năm 2020) rằng 47% nhiệm vụ có thể được tự động hóa vào năm 2025.

Việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo báo cáo năm 2023, dự kiến ​​việc làm cho các chuyên gia nông nghiệp sẽ tăng 30% trong 5 năm tới, tức là khoảng 3 triệu việc làm mới sẽ được bổ sung.

Điều này một phần là do người lao động trong lĩnh vực này ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi AI tạo sinh và mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT. Các lý do khác bao gồm rút ngắn chuỗi cung ứng, với ngày càng có nhiều trang trại nhỏ bán trực tiếp cho người tiêu dùng thay vì thông qua trung gian.

Việc sử dụng công nghệ nông nghiệp ngày càng tăng và tăng cường đầu tư vào thích ứng với biến đổi khí hậu cũng dẫn đến việc mở rộng việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng cái gọi là “nông nghiệp thông minh” – nhằm giải quyết các thách thức liên kết với nhau về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu – không chỉ giúp tăng việc làm mà còn theo Ngân hàng Thế giới, cũng nâng cao mức sống và kết quả về môi trường, cũng như an ninh lương thực và khả năng phục hồi của cây trồng.

Việc làm trong giáo dục

Theo các cuộc khảo sát trong Báo cáo Tương lai Việc làm 2023, việc làm trong ngành giáo dục dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 10% vào năm 2027. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 3 triệu việc làm nữa trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Báo cáo cho biết: “Sự tăng trưởng này đặc biệt phổ biến ở các quốc gia không thuộc G20, nơi dự kiến ​​sẽ cao hơn khoảng 50% so với các quốc gia G20”.

Việc tăng cường giáo dục và công nghệ để phát triển lực lượng lao động được coi là một động lực lớn tạo ra việc làm. Nguyên nhân thứ hai là các tổ chức ngày càng tăng cường nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng khi mà AI và các công nghệ khác đang thay đổi các quy tắc về năng lực mà nhân viên và người sử dụng lao động cần.

thiet-ke-chua-co-ten-15-3100.jpg

Những kỹ năng được yêu cầu nhiều nhất là tư duy phân tích và sáng tạo. Các kỹ năng khác mà nhà tuyển dụng mong muốn là: Đồng cảm và lắng nghe tích cực; Động lực và sự tự nhận thức; Lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội; Quản lý tài năng; Định hướng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Đây đều là những kỹ năng mang tính con người và nằm ngoài bộ kỹ năng của AI.

Việc làm Chuỗi cung ứng và hậu cần

Giống như trong lĩnh vực nông nghiệp, sự thay đổi theo hướng nội địa hóa chuỗi cung ứng được kỳ vọng sẽ là một trong những yếu tố tạo ra việc làm lớn nhất trong ngành hậu cần, Tuy nhiên, Báo cáo Tương lai Việc làm 2023 chỉ ra rằng nó cũng có thể dẫn đến một số người mất việc làm, cũng như có thể xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung, chi phí đầu vào tăng và suy thoái kinh tế toàn cầu - ít nhất là trong ngắn hạn.

“Địa lý kinh tế mới được tạo ra bằng cách dịch chuyển chuỗi cung ứng và sự tập trung nhiều hơn vào khả năng phục hồi thay vì hiệu quả dự kiến ​​sẽ tạo ra tăng trưởng việc làm, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế ở Châu Á và đặc biệt là Trung Đông”, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Saadia Zahidi cho biết.

Theo khảo sát cho báo cáo năm 2023, dự kiến ​​sẽ có thêm 2 triệu việc làm, tương đương 12,5% lực lượng lao động, trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và hậu cần. Xu hướng trong lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu tài xế xe tải hạng nặng và xe buýt vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, những kỳ vọng tương đối thấp về tác động của xe tự hành đối với việc tạo việc làm cho thấy nghề lái xe khó có thể biến mất trong tương lai gần.

“Tương lai của nhân viên cổ trắng (nhân viên văn phòng - PV) bị đe dọa nhiều hơn tài xế xe công nghệ, vì chúng ta vẫn chưa có xe tự lái, nhưng AI chắc chắn có thể viết báo cáo”, Martin Ford, tác giả cuốn "Quy tắc của robot: Trí tuệ nhân tạo sẽ biến đổi mọi thứ như thế nào", nói với BBC.

“Trong nhiều trường hợp, những người lao động có trình độ học vấn cao hơn sẽ có nguy cơ mất việc nhiều hơn những người lao động có trình độ học vấn thấp nhất. Hãy nghĩ đến người làm công việc dọn dẹp phòng khách sạn – thực sự rất khó để tự động hóa công việc đó”.

Nhìn chung, 50% doanh nghiệp mong đợi AI sẽ tạo ra tăng trưởng việc làm, trong khi chỉ có 25% cho rằng nó dẫn đến mất việc làm, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết.